Hotline: 0941068156
Thứ năm, 17/07/2025 01:07
Thứ tư, 16/07/2025 20:07
TMO – Chuyên gia nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả chủ trương chuyển đổi phương tiện (xăng sang điện) cần có sự chia sẻ giữa Nhà nước – Người dân – Doanh nghiệp để cùng thực hiện mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm không khí, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Theo lộ trình, từ tháng 7/2026, Hà Nội sẽ cấm phương tiện (xe mô tô, xe gắn máy) sử dụng nhiên liệu xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1 và tiếp tục mở rộng ra Vành đai 2 vào năm 2028. Điều này cũng đồng nghĩa người dân sống trong khu vực Vành đai 1 và 2 hoặc muốn di chuyển vào 2 khu vực này phải sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu sạch (điện) hoặc phương tiện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trước quy định trên, nhiều người dân ủng hộ, sẵn sàng chuyển đổi, thay thế phương tiện vì lợi ích chung, tuy nhiên cũng có người băn khoăn lo lắng khi thực hiện chuyển đổi phương tiện.
Về vấn đề này, sáng 16/7, Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Hoàng Dương Tùng (ông là Ủy viên Ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam).
TS. Hoàng Dương Tùng.
PV: Hà Nội sẽ cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 và mở rộng ra Vành đai 2 vào tháng 1/2028. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
TS Hoàng Dương Tùng: Theo tôi, đây là chỉ đạo quyết liệt, đúng trong bối cảnh hiện nay đối với Hà Nội. Qua các số liệu quan trắc cho thấy, những năm trở lại đây chất lượng môi trường không khí suy giảm nghiêm trọng. Nhất là vào mùa đông, chỉ số chất lượng không khí AQI nhiều ngày là màu đỏ, màu tím rồi màu nâu, tình trạng ô nhiễm môi trường có chiều hướng tăng qua nhiều năm. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Thực trạng này, đòi hỏi thành phố cần triển khai quyết liệt các giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí.
PV: Theo nhận định của ông, Hà Nội sẽ đối diện với khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình thực hiện và ông có khuyến cáo gì?
TS Hoàng Dương Tùng: Theo tôi với mỗi thay đổi đều có những khó khăn thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần quyết liệt để triển khai. Đối với chủ trương cấm xe máy chạy xăng tại khu vực Vành đai 1, khó khăn trước tiên nằm ở tư duy. Vì nếu như không có tư duy đổi mới, sáng tạo thật sự quyết tâm để tạo ra cơ chế vượt trội thì chúng ta sẽ khó có thể thực hiện được.
Chủ trương này tác động lớn đến đến nhóm đối tượng rất rộng. Những ngày qua, một số người dân Thủ đô đã có nhiều băn khoăn về vấn đề này. Khi Hà Nội thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương trên thì cần có cách tuyên truyền hiệu quả, để người dân nắm bắt được mục tiêu, các biện pháp cơ chế hỗ trợ, và các biện pháp giải pháp khác đồng bộ đi kèm nhằm giảm thiểu tác động để cùng chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước. Thành phố cần công bố về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi, hệ thống hạ tầng cho việc chuyển đổi này (nhất là với trạm sạc và đổi pin)... Theo tôi, việc đáp ứng hạ tầng giao thông công cộng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hiệu quả chủ trương trên. Hà Nội phát triển các tuyến xe buýt để người dân thấy thuận tiện: Mở rộng mạng lưới xe buýt, đầu tư xe buýt điện, xe buýt loại nhỏ...
PV: Cũng có ý kiến băn khoăn về thời gian thực hiện chuyển đổi phương tiện từ xăng sang điện, quan điểm của ông thế nào?
TS. Hoàng Dương Tùng: Nhiều người nghĩ rằng cần phải có thời gian chuẩn bị lâu hơn. Khi đến hạn 1/7/2026 chỉ còn gần 1 năm nữa để triển khai chủ trương trên. Tuy nhiên không phải không có cơ hội để thực hiện. Hà Nội cần học hỏi những kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới để áp dụng sáng tạo vào thực tế trong quá trình chuyển đổi phương tiện của thành phố.
Chẳng hạn như tại Trung Quốc, quốc gia này đã có nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp chuyển đổi, ban hành các tiêu chuẩn về các trạm sạc xe điện an toàn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy. Họ phát triển giao thông công cộng xanh cực kỳ mạnh mẽ.
Như vậy, với lộ trình đặt ra, thành phố cần hoàn thiện về mặt kỹ thuật, có thể tính đến xã hội hóa các trạm sạc, triển khai chính sách hỗ trợ để thu hút sự đầu tư của nhiều đơn vị đối với trạm sạc, xây dựng trạm sạc và phương thức đổi pin....
PV: Qua theo dõi, dư luận phản ứng trái chiều về quy định chuyển đổi phương tiện bởi người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, quan điểm của ông như thế nào?
TS Hoàng Dương Tùng: Với người dân, xe máy chạy xăng là tài sản khá lớn, là phương tiện đi lại và công cụ kiếm sống của nhiều người nên việc cấm xe xăng chạy trong Vành đai 1 rồi mở rộng ra các vành đai khác sẽ tác động rất lớn. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng tại thành phố chưa phát triển, hoàn thiện được như kỳ vọng, mục tiêu đặt ra... Khi tiếp nhận thông tin trên, người dân băn khoăn là chuyển đổi có thiệt hại về kinh tế hay không? Hệ thống hạ tầng có tiện lợi như xe xăng không? Các trạm xăng phủ kín thì điều này đặt ra thách thức đối với các trạm sạc và việc đổi pin, nhiều người cũng bày tỏ lo lắng về việc đảm bảo an toàn nhất là phòng cháy chữa cháy khi xảy ra cháy nổ...
Trước thực tế trên, theo tôi thành phố Hà Nội cần có những công bố thể hiện cam kết với người dân, cần đưa ra những thông báo sớm về cơ chế chính sách, hỗ trợ chuyển đổi...càng sớm càng tốt để người dân yên tâm, đồng hành cùng thành phố trong thực hiện chuyển đổi phương tiện.
PV: Vấn đề người dân quan tâm nhất đối với quy định chuyển đổi phương tiện giao thông là chi phí mua phương tiện mới và vấn đề an toàn trong quá trình sử dụng (như pin, sạc điện) bởi theo không ít ý kiến lo lắng xảy ra cháy nổ. Quan điểm của ông thế nào?
TS Hoàng Dương Tùng: Lo lắng của người dân với những vấn đề này là có thể hiểu được, do vậy việc triển khai các giải pháp nhất là cơ chế để giải quyết những băn khoăn của người dân là cần thiết ngay lúc này. Về chi phí mua phương tiện mới, như trong Chỉ thị nhấn mạnh thì thành phố sẽ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng; có các cơ chế để khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các trạm xạc/đổi ắc quy…trong quý III năm nay như chỉ thị yêu cầu.
Tôi cũng phải nhấn mạnh là để triển khai hiệu quả chủ trương trên thì cần có sự chia sẻ giữa Nhà nước – Người dân – Doanh nghiệp để cùng thực hiện mục tiêu chung là giảm thiểu ô nhiễm không khí, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
PV: Nhiều người cũng băn khoăn việc thu gom, xử lý pin cũ hỏng bởi sẽ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp nếu làm không tốt. Ông có gợi ý giải pháp gì?
TS Hoàng Dương Tùng: Luật Bảo vệ môi trường cũng đã quy định các nhà sản xuất phải có trách nhiệm, thu hồi, tái chế các sản phẩm đấy... nhất là trong bối cảnh hiện nay những tiến bộ của khoa học công nghệ trong xử lý, tái chế rác thải đang ngày càng hoàn thiện. Với quyết tâm của mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước việc triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, hoàn thiện hạ tầng giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân... tôi tin Hà Nội có thể triẻn khai được chủ trương này.
TS Hoàng Dương Tùng nguyên là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ông là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường không khí và hiện là Ủy viên Ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ngoài ra, ông hiện đang là Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. |
Bài tiếp: Hà Nội cấm xe máy xăng: Cần sự quyết tâm và đồng hành (Bài 3)
[Hà Nội cấm xe máy xăng] Kiên định mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân (Bài 1)
Tú Quyên – Ngọc Linh – Thu Phương – Thu Hiền
Bình luận