Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 29/11/2022 13:11
TMO - UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh tới nội dung hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phân loại CTRSH tại nguồn. Tùy từng loại chất thải rắn mà người dân có thể tự xử lý hoặc chuyển xử lý theo quy định.
Theo đó, địa phương này hướng đến mục tiêu, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của chất thải. Trong đó, CTRSH có khả năng tái chế, người dân sẽ đựng trong bao bì, thiết bị màu xanh; nếu là chất thải thực phẩm thì đựng trong bao bì, thiết bị màu đỏ. CTRSH nguy hại đựng trong bao bì, thiết bị màu vàng và CTRSH khác đựng trong bao bì, thiết bị màu trắng.
Chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh phải được hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải lưu giữ, không được vứt bừa bãi tại nơi công cộng, ao, hồ, sông, suối… gây ô nhiễm môi trường. Đối với các loại CTRSH cồng kềnh sau khi được tháo ra vẫn có kích thước lớn thì hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển đến địa điểm tập kết, trung chuyển do UBND cấp xã quy định, hoặc thỏa thuận chi phí với đơn vị thu gom để cung cấp dịch vụ thu gom tại nguồn đối với loại chất thải này.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương thực hiện quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: BTN
Đối với điểm tập kết, trung chuyển CTRSH phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại CTRSH đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. Bố trí thiết bị lưu chứa CTRSH nguy hại phải đáp ứng yêu cầu là có vỏ cứng với kích cỡ lớn như bồn, bể, công ten nơ hoặc thiết bị tương tự khác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật: vỏ có khả năng chống được ăn mòn, không phản ứng hóa học với CTRSH nguy hại bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí xếp, dỡ, xả chất thải để tránh rò rỉ.
Mỗi đơn vị cấp xã phải bố trí ít nhất một điểm tập kết, trạm trung chuyển để tiếp nhận và xử lý sơ bộ các loại chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh phát sinh trên địa bàn. Với chất thải tái chế, người dân có thể chuyển giao (bán, tặng) cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu, cơ sở tái chế để tái chế, tái sử dụng. Với chất thải thực phẩm, tối thiểu mỗi ngày phải thu gom một lần... Để xử lý triệt để CTRSH, ngoài các yêu cầu trên, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư.
Quy định vừa được ban hành nhấn mạnh đến các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường có khả năng sử dụng, tái chế khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải thu gom, phân loại riêng để chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu, cơ sở tái chế để tái chế, sử dụng.
Đối với chất thải thực phẩm, tùy điều kiện từng địa phương, đối với có địa phương có đất vườn rộng, UBND cấp xã khuyến khích các hộ gia đình tự xử lý tại hộ như: ủ làm phân bón hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đối với những nơi không có điều kiện tự xử lý tại hộ, đơn vị thu gom phải thu gom riêng để xử lý tập trung tại khu xử lý bằng phương pháp làm phân bón hữu cơ, nhiệt hóa hoặc chôn lấp hợp vệ sinh
Chất thải có khả năng đốt cháy, với khu vực vùng sâu vùng xa diện tích rộng, điều kiện di chuyển khó khăn, UBND cấp xã khuyến khích các hộ gia đình tận dụng làm nhiên liệu trong nấu ăn, đối với các nơi còn lại UBND cấp xã yêu cầu đơn vị thu gom riêng loại chất thải này đưa về khu xử lý, xử lý bằng phương pháp đốt. Các huyện có lò đốt chất thải rắn có thể hợp đồng chuyển giao chất thải cho các cơ sở có lò đốt tại địa phương khác để xử lý. Đối với chất thải khó phân hủy như thủy tinh, sành sứ cần thu gom, vận chuyển tập kết riêng tại khu xử lý, trạm trung chuyển để chuyển giao cho các đơn vị trong hoặc ngoài tỉnh có chức năng tái chế hoặc xay nghiền thành cốt liệu phục vụ xây dựng theo đúng quy định.
Rác thải được tập kết và xử lý theo đúng quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vừa được ban hành
Ngoài ra, đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại cần căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, UBND cấp huyện hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại được Bộ TN&MT cấp phép để thu gom, xử lý chất thải nguy hại tại các điểm tập kết, trung chuyển của toàn huyện. Để xử lý triệt để CTRSH, ngoài các yêu cầu trên, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư.
Tích cực dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu đất thuộc quyền sử dụng của mình; giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH… Quy định cũng đưa ra chế tài, nếu hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải CTRSH nào không phân loại chất thải theo quy định, không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định sẽ bị áp các mức phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo số liệu của Sở TN&MT Thái Nguyên, hiện lượng rác thải sinh hoạt ở một số địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp và dân cư tập trung đông như: TP Thái Nguyên khoảng 250 tấn/ngày; huyện Phú Bình từ 12-15 tấn/ngày; T.X Phổ Yên gần 100 tấn/ngày, với tỷ lệ gia tăng ở mức 10-15%/năm. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa của tỉnh đang trên đà tăng trưởng mạnh, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới đạt khoảng 7-8%. Rác thải chưa được phân loại hiệu quả sẽ dẫn đến khối lượng phải chôn lấp hoặc đốt nhiều, trong khi các lò đốt rác đảm bảo tiêu chuẩn tại Thái Nguyên chưa đáp ứng đủ nhu cầu xử lý.
Thu Hà
Bình luận