Hotline: 0941068156
Thứ ba, 08/07/2025 19:07
Thứ ba, 08/07/2025 12:07
TMO - Tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tái chế chất thải rắn; chôn lấp có thu hồi khí mêtan; tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lai Châu, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tham gia của cả hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả: Ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao; hạ tầng bảo vệ môi trường từng bước được triển khai; Công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các dự án được kiểm soát chặt chẽ; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Trang thiết bị phục vụ cho công tác giám sát, quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường chưa được thường xuyên, có thời điểm, có nơi thiếu kiên quyết; nước thải một số khu dân cư chưa được thu gom, xử lý tập trung; áp lực chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt ngày một gia tăng; công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, vẫn còn tình trạng xả rác thải, chất thải xây dựng không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường; nhận thức của một số doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa đúng, chưa đầy đủ.
Để kịp thời giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về môi trường trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phức tạp về môi trường, đồng thời thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải, tỉnh Lai Châu sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo các chuyên gia môi trường, chất thải rắn như thức ăn thừa, phụ phẩm từ thực vật của các bãi rác lộ thiên sẽ sản sinh ra khí metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phân hủy, gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí mê tan.
Phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí mê tan. Khi rác thải hữu cơ được phân loại và xử lý đúng cách, nó có thể được chuyển hóa thông qua quá trình phân hủy kị khí để tạo ra biogas, một nguồn năng lượng tái tạo. Việc này không chỉ giúp giảm lượng rác thải đưa vào bãi rác mà còn giảm lượng khí mê tan phát ra từ các bãi rác, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Các địa phương triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải trong đó đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn (Ảnh minh họa).
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quản lý chất thải, tỉnh Lai Châu sẽ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải rắn bao gồm: Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Tái chế chất thải rắn; Sản xuất phân compost; Đốt chất thải rắn và đốt chất thải để phát điện; Chôn lấp có thu hồi khí mê tan. 1 biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt: tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. 1 biện pháp xử lý nước thải công nghiệp: giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí mê tan vào kế hoạch, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển của các ngành, địa phương liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn.
Triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mêtan, trong lĩnh vực quản lý chất thải như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; chôn lấp có thu hồi khí mêtan; tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn. Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí mêtan; huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát phát thải khí mê tan và thực hiện cam kết về giảm phát thải khí mê tan.
Sở Nông nghiệp và Môi trường điều tra đánh giá, cập nhật hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp xã: Đẩy mạnh công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn.
Tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn, ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí mê tan. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Các cơ sở xử lý chất thải, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh: Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở hàng năm. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quan tâm đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với đặc điểm khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn.../.
Phương Thúy
Bình luận