Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ sáu, 11/07/2025 14:07
TMO - Tỉnh Khánh Hòa sẽ rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải các đô thị tại các lưu vực sông, suối qua đó kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các khu vực này.
Để kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông trên địa bàn, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến hết năm 2025: 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý;
Bên cạnh đó, đạt 40% nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt chuẩn kỹ thuật (theo Quyết định số 3219/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và không thấp hơn 30% (theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2025); 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.
Khánh Hòa tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường nước mặt; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh.
Triển khai đồng bộ, kịp thời Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030” thực hiện các nội dung nhiệm vụ, giải pháp nhằm đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp; huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, khu, cụm công nghiệp.
Các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).
Thống kê và phân loại các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh; lập danh mục nguồn thải (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh.
Rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải các đô thị tại các lưu vực sông, suối; đề xuất việc áp dụng định mức do Bộ Xây dựng đã ban hành hoặc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung định mức (nếu có), đơn giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; tham mưu đề xuất các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách hỗ trợ để đầu tư, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, tái sử dụng nước thải, không để phát sinh ô nhiễm các lưu vực sông, suối trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông, suối theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, nông thôn đạt lần lượt là 70% và 100%. Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; triển khai thực hiện công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội;
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.../.
Thu Trang
Bình luận