Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 11:07
Thứ năm, 10/07/2025 12:07
TMO - Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm như tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; các điểm du lịch; các cơ sở chăn nuôi, trang trại...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có trên 1.250 cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn phát thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 388.000 tấn/năm; chất thải nguy hại phát sinh trên 5.600 tấn/năm; chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên 270 triệu tấn/năm.
Ngành khai thác, chế biến than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh, với tổng công suất khai thác trên 42 triệu tấn than/năm. Hoạt động của các bãi thải, mỏ lộ thiên, băng tải than, vận chuyển than tiềm ẩn rủi ro cao về phát tán bụi, bùn thải, nước thải, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nguồn nước và hệ sinh thái vùng ven biển.
Nhằm tăng cường kiểm soát các nguồn thải, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tỉnh đầu tư lắp đặt 128 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục truyền dữ liệu về trung tâm giám sát của Sở Nông nghiệp và Môi trường để kịp thời xử lý các sự cố môi trường bất thường. Riêng các cơ sở chế biến than, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, các khu công nghiệp (KCN)… có hệ thống xử lý khí thải và quan trắc tự động đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Việc kiểm soát chất lượng nước thải qua hệ thống quan trắc được lắp đặt tại các khu vực xử lý nước thải tại các KCN (Ảnh: MT).
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực gia tăng ô nhiễm, công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp được tỉnh đẩy mạnh triển khai. Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã tích cực triển khai Chương trình hành động số 572/CTr-UBND ngày 17/3/2023 của UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030.
Trên cơ sở đó, Ban đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn tại các KCN, KKT; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng môi trường để đáp ứng tiêu chí “khu công nghiệp xanh” theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Hiện tại, Quảng Ninh vẫn duy trì tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Đã có 8 KCN hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung với tổng cộng 13 mô-đun, công suất xử lý đạt 65.400 m³/ngày đêm, góp phần bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh KCN. Tỉnh đã đôn đốc 100% doanh nghiệp trong KCN hoàn thành hồ sơ pháp lý về chất thải rắn, giảm thiểu việc chôn lấp không kiểm soát; đồng thời kiểm soát chặt chẽ phát sinh chất thải nguy hại tại các cơ sở sản xuất.
Tỉnh đã hoàn thành việc di dời toàn bộ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long ra khỏi vùng lõi di sản, giảm nguy cơ ô nhiễm nước biển, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô; cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên; đã di dời toàn bộ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực đông dân cư và đang từng bước di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào các cụm công nghiệp.
Công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã tạo không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách bốn phương. Việc kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long được chú trọng. Các cảng, bến khách du lịch đã yêu cầu tổ chức niêm yết công khai các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh triển khai.
Quảng Ninh còn tiếp tục thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần; tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Ngoài ra, 100% các cơ sở chăn nuôi, trang trại trên địa bàn tỉnh có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu khí nhà kính như đầu sử dụng chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi chuồng trại, sử dụng phương pháp đệm lót sinh học và ủ phân bằng phương pháp vi sinh vật kết hợp với biogas, hồ điều hòa sinh học đảm bảo môi trường; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cũng đã thực hiện xừ lý được chất thải rắn…
Ngay từ đầu năm UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 52/KH-UBND về việc tuyên truyền pháp luật và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa bàn. Theo đó, UBND yêu cầu tổ chức các phong trào thi đua đặc biệt về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai các mô hình hình “5 không 3 sạch”, “đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “văn phòng xanh", ngày hội tái chế, phân loại rác thải... và các hoạt động khác tại cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Tuyên truyền về hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các đơn vị chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quan tâm triển khai các chương trình hiện đại hóa công nghệ khai thác, sản xuất, tăng cường tuần hoàn, tái sử dụng chất thải nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường, cảnh quan du lịch, khu đô thị xung quanh; kiểm soát chặt chẽ, an toàn bãi thải mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường.../.
Minh Tuấn
Bình luận