Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Chủ nhật, 21/01/2024 12:01
TMO – Các địa phương cần huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng dần nguồn thu từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải đồng thời giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động này.
Công tác bảo vệ môi trường đã có đã có sự chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị năm 2023 ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn. Tính đến nay, cả nước có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tăng 390 cơ sở so với năm 2019), bao gồm 467 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost đạt khoảng 16% và tỷ lệ chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng đạt khoảng 9,3% và các phương pháp khác như khí hoá, làm viên nén nhiên liệu.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ CTRSH được chôn lấp trực tiếp còn cao; công nghệ xử lý CTRSH của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; công suất xử lý CTRSH của các cơ sở hiện hữu không đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh, trong khi việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng dự án còn thiếu nguồn lực tài chính, đất đai. Việc triển khai các dự án/cơ xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại còn chậm; các địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính.
Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường nhằm tăng cường thu gom, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu từ sản phẩm thải bỏ; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTRSH; tăng dần nguồn thu từ tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải đồng thời giảm dần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH. Triển khai áp dụng giá dịch vụ xử lý CTRSH, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH. Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTRSH nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Phạm Dung
Bình luận