Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 20:11
Thứ sáu, 11/03/2022 10:03
TMO - Đối với các loài động vật, chất ô nhiễm đi vào khí quản của các loài động vật gây ra tắc nghẽn hô hấp, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, cũng như cản trở quá trình trao đổi chất. Tương tự, với các loài thực vật bị ô nhiễm bụi bám vào làm giảm quá trình quang hợp, gây ra các bệnh vàng và rụng lá.
Trong Hội thảo quốc tế “Tác động của ô nhiễm môi trường với đa dạng sinh học và sức khỏe con người” vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều hệ lụy từ ô nhiễm môi trường, đặc biệt có nguy cơ đe dọa sự sống của các loài nói chung và sức khỏe con người nói riêng.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trong các loại ô nhiễm, ô nhiễm không khí gây ra các tác hại nặng nề đối với các hệ sinh vật động vật và thực vật. Giáo sư Đăng cho rằng các chất ô nhiễm đi vào khí quản của các loài động vật gây ra tắc nghẽn hô hấp, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, cũng như cản trở quá trình trao đổi chất. Các loài thực vật bị ô nhiễm bụi bám vào làm giảm quá trình quang hợp, gây ra các bệnh vàng lá, rụng lá hàng loạt.
Ô nhiễm không khí....
Giáo sư cũng chỉ ra, các chất khí ô nhiễm SO2, NOx dưới tác dụng của bức xạ mặt trời và hơi nước sẽ tạo ra mưa axit và lắng đọng khô axit. Lắng đọng axit có khả năng giết chết các loài vi sinh vật, sinh vật trong môi trường đất và môi trường nước, làm thay đổi chất lượng nguồn nước, phá hoại rừng và mùa màng. Mưa axit nặng có thể làm chết hàng loạt động vật và thực vật. Ô nhiễm khí CO2, khí CH4 (khí “nhà kính”) sẽ gây ra biến đổi khí hậu, làm trái đất ngày càng nóng hơn và biến đổi khí hậu dị thường, gây ra suy thoái tất cả các loài động vật và thực vật.
Về sức khỏe con người, ô nhiễm không khí cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, chỉ trong năm 2016, ô nhiễm không khí làm 4,2 triệu người tử vong sớm (tỷ lệ tử vong này là do tiếp xúc với bụi mịn có đường kính từ 2,5 µm trở xuống (PM2.5) gây ra bệnh tim mạch và hô hấp, và các bệnh ung thư). Những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Đồng quan điểm, theo GS.TSKH. NGND Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ô nhiễm nguồn nước cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài nói chung và sức khỏe con người nói riêng. Theo Giáo sư, khi nguồn nước bị ô nhiễm, chất dinh dưỡng mới có trong nguồn nước sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, làm giảm đáng kể oxy trong nguồn nước. Sự thiếu oxy này sẽ làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước và tạo ra vùng chết, nơi mà các nguồn nước không có sự sống của sinh vật.
...đang đe dọa sự sống của các loài động, thực vật.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khủng hoảng đối với môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Trong một thời gian dài, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các hoạt động phát triển đã làm cho môi trường bị ô nhiễm và các hệ sinh thái trên toàn thế giới bị suy thoái. Theo ông Hiền, thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu, tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990-2015. Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015 và 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng.
“Đối với Việt Nam, phát triển bền vững, giảm thiểu tổn thất về môi trường là quan điểm xuyên suốt trong quá trình hoạch định chính sách. Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở vị trí quan trọng trong các nghị quyết và định hướng phát triển”, ông Hiền nói.
Lan Hương
Ô nhiễm đất và chất thải Nông, Lâm nghiệp đe dọa hàng trăm loài động, thực vật
Báo cáo phân tích ô nhiễm quốc gia thí điểm Việt Nam
Hội thảo quốc tế “Tác động của ô nhiễm môi trường với đa dạng sinh học và sức khỏe con người”
Bình luận