Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 14:07
Thứ bảy, 12/07/2025 10:07
TMO – Hà Nội yêu cầu các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027. Từ ngày 1/1/2028 cấm các chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về biện pháp giảm phát thải nhựa. Theo đó, Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt tại Hà Nội, nhằm cụ thể thóa quy định của Điều 28 Luật Thủ đô.
Theo Nghị quyết, trong hoạt động sản xuất, Hà Nội yêu cầu từ ngày 1/1/2028 doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì. Đồng thời phải sử dụng tối thiểu 30% nhựa tái chế trong các bao bì nêu trên kể từ ngày 1/1/2030. Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Giảm dần, tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Ảnh minh họa.
Đối với các khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc) kể từ ngày 1/1/2026.
Thành phố yêu cầu các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027. Từ ngày 1/1/2028 cấm các chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường. Hà Nội cũng xác định, từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ các sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam).
Trong hoạt động sinh hoạt, Hà Nội quy định, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm). Không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2028.
Điều 28 Luật Thủ đô quy định rõ về công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể: Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Hội đồng nhân dân có trách nhiệm quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp; Quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch;
Quy định các biện pháp hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn; Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.
PHẠM DUNG
Bình luận