Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Chủ nhật, 31/12/2023 13:12
TMO – Song song với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, lĩnh vực môi trường trong năm 2023 còn tồn tại không ít những bất cập dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí và số vụ vi phạm về môi trường tăng so với năm 2022.
Năm 2023 đang dần khép lại để chào đón năm 2024 với nhiều kỳ vọng mới. Nhìn lại năm 2023, cùng với nhiều ngành khác, ngành môi trường trong năm 2023 đã đạt những tín hiệu tích cực khi công tác vận động, tuyên truyền bảo vệ môi trường không ngừng được nâng cao, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, áp dụng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được không ngừng được đẩy mạnh, bám sát thực tiễn, giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc…Tuy nhiên, năm 2023 cũng là năm cần được lưu ý khi số vị vi phạm về môi trường tăng so với năm 2022.
Quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Ngày 06/01, Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo Nghị quyết, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ áp dụng theo quy định mới và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể: Đối với xăng (trừ etanol) có mức thuế là 2.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay 1.000 đồng/lít; Dầu diesel 1.000 đồng/lít; Dầu hỏa 600 đồng/lít; Dầu mazut 1.000 đồng/lít; Dầu nhờn 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh
Ngày 13/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh. Cụ thể, 05 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh gồm: QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất; QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Chiến lược khai thác, bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Tháng 4, Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động. Cụ thể, tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”; Chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”…
10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên một bước; Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn; Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra đến nay chưa đạt được. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước; một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội…
Họp Ban Chỉ đạo về thực hiện cam kết tại COP26
Chiều 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, trong khi Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong điều kiện một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Việt Nam là nước có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển đổi xanh, phù hợp với xu thế của thời đại, nhất là tiềm năng nắng, gió để phát triển năng lượng tái tạo. Mặt khác, thời gian qua, tình hình trong nước, quốc tế tiếp tục có rất nhiều thay đổi, như các nước châu Âu đặt ra các tiêu chuẩn sản xuất xanh với hàng nhập khẩu. Do đó, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu, đòi hỏi khách quan với Việt Nam để có thể kết hợp, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc một cách quyết liệt, thực chất, dứt điểm, không hình thức, mang lại hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật, Thủ tướng đề nghị thảo luận, đánh giá việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, những kết quả bước đầu, làm rõ những thuận lợi, khó khăn; cho ý kiến về Đề án triển khai JETP; cho ý kiến về một số đề án quan trọng như việc thực hiện cam kết chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Kế hoạch giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải...; xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2023 và định hướng nhiệm vụ cho năm 2024.
Hàng trăm hộ dân lập chốt chặn xe rác
Nhiều ngày trong tháng 7, hơn 100 hộ dân tại 2 xã An Đức, An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) lập chốt cử người ngày đêm ngăn xe chở rác vào bãi gây ô nhiễm. Theo đó, bãi rác thuộc xã An Hiệp rộng khoảng 5 ha, hình thành hơn 10 năm trước, tiếp nhận 30 - 40 tấn rác mỗi ngày. Gần 2 năm nay, do nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) bị tạm đóng cửa vì không đảm bảo, bãi này nhận thêm rác từ các nơi khác chuyển đến, mỗi ngày 120-150 tấn. Lượng rác lớn quá tải, cộng với hệ thống tường rào, gia cố chống thấm nước, nước rỉ tại bãi chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng đời sống người dân hai xã với bán kính khoảng 1km.
Sự cố vỡ cống xả hồ chứa nước thải ở Lào Cai
Sự cố xảy ra vào sáng 8/8 trên địa bàn xã Tả Phời (TP Lào Cai). Theo đó, hồ chứa nước thải quặng (bùn quặng) của Nhà máy tuyển quặng đồng thuộc Công ty Cổ phần đồng Tả Phời bất ngờ bị vỡ cống khiến một lượng nước thải rất lớn từ hồ chứa chảy xuống khu dân cư thôn Phời 3. Nước từ hồ thải đã làm ngập đoạn đường từ thôn Phời 3 đến UBND xã Tả Phời gây chia cắt giao thông hoàn toàn. Theo ước tính ban đầu, có gần 30 hộ dân nằm dưới hạ lưu bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều hộ bị nước ngập vào nhà, cuốn trôi tài sản và gia súc, gia cầm. Theo cơ quan chức năng, tại thời điểm xảy ra sự cố trên địa bàn xã Tả Phời xảy ra mưa lớn kéo dài, dẫn đến lượng nước trên thượng nguồn dồn về hồ thải nhiều. Lượng nước đổ về hồ tăng đột biến, do vậy cống xả tràn gặp sự cố, gây tràn nước xuống khu vực hồ phụ và chảy xuống hạ lưu thuộc thôn Phời 3.
Ra mắt sách “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”
Sự kiện diễn ra vào sáng 17/11. Theo đó, sáng 17/11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức ra mắt cuốn sách “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Sách có khổ 16x24 cm, 576 trang, gồm 7 Chương. Cuốn sách được xem là ‘công trình’ nghiên cứu, do nhóm các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam biên soạn, lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam làm Chủ biên. Sách gồm 7 Chương, đề cập đến các vấn đề liên quan phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Theo giới chuyên gia, việc ra mắt cuốn sách “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện cam kết quốc tế đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Số vụ vi phạm về môi trường tăng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023 phát hiện 16.641 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 14.873 vụ với tổng số tiền phạt là 282,1 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2022. Trên địa bàn cả nước xảy ra 2.001 vụ cháy, nổ, làm 157 người chết và 137 người bị thương, thiệt hại ước tính 262,5 tỷ đồng, giảm 56,4% so với năm trước. Cũng trong năm 2023, thiên tai làm 158 người chết và mất tích; 130 người bị thương; 108,1 nghìn ha lúa và 43,4 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 98,3 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 30,4 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2023 ước tính gần 5.101,5 tỷ đồng, giảm 64,3% so với năm trước.
[Toàn cảnh thế giới năm 2023] Vật lộn với thiên tai, gia tăng xung đột
Tài nguyên thiên nhiên toàn cảnh năm 2023
Nhóm Phóng viên (thực hiện)
Bình luận