Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ ba, 15/02/2022 15:02
TMO - Thực hiện Đề án số 24/ĐA-UBND của tỉnh Ninh Bình về kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, nhất là các địa phương đã đầu tư nguồn lực, với nhiều cách làm hay để xử lý rác thải bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.
Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm gần 65% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại khu vực nông thôn trên địa bàn lên đến 328 tấn/ngày, chiếm khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh; rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác vô cơ chiếm 25-30%.
Nhận thấy được nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn tăng lên, tỉnh Ninh Bình đã huy động các nguồn lực để thực hiện hóa Đề án số 24/ĐA-UBND với nhiều mô hình hay, sáng tạo. Điển hình như mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở một số hộ gia đình của 3 xã Ninh Hòa, Ninh Hải và Ninh Mỹ.
Chất thải hữu cơ được người dân tận dụng để ủ phân
Chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng để ủ phân, chất thải khó phân hủy được giao cho đơn vị thu gom rác thải vận chuyển đến nhà máy xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó để xử lý. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tốt, giảm 70% lượng rác phải thu gom và xử lý. Với hiệu quả của mô hình đem lại, hiện một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu triển khai và nhân ra diện rộng.
Các biện pháp thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian qua của các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mang lại thay đổi tích cực đối với diện mạo môi trường nông thôn, nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng có những chuyển biến rõ rệt, mang lại lợi ích cho cả người dân và chính quyền địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, còn với địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn tại được phân loại, xử lý tại nhà máy Quèn Khó
Tuy nhiên, hiện tại toàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn 153 thôn, xóm là các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đủ điều kiện để thành lập được các tổ thu gom rác thải, các hộ gia đình thực hiện tự thu gom và xử lý tại khuôn viên của hộ gia đình. Vì vậy, để tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác thu gom, xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trên địa bàn Ninh Bình cần dành nguồn lực và đổi mới công nghệ để công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình chú trọng đến việc rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Trên cơ sở rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng, miền của mỗi địa phương để phổ biến áp dụng.
Nguyễn Huế
Bình luận