Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ tư, 05/04/2023 11:04
Có thể nói, trong lớp vỏ sần sùi thô ráp của trên 6.000 cây cổ thụ, tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong mười ba năm qua, vẫn lưu giữ cả triệu mùa Xuân cùng muôn vạn sự kiện lịch sử - văn hoá. Sau khi được vinh danh Cây Di sản, những cây cổ thụ càng được cộng đồng quan tâm, bảo vệ và chăm sóc tốt hơn. Đến mùa Xuân, cây lại đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái xum xuê hơn. Trong số những cây trường tồn cùng muôn Xuân đó, phải kể tới những Danh mộc đại thụ nghìn tuổi như: cây Táu bên ngôi Miếu cổ ở Phú Thọ, cây Sa mu dầu ở Nghệ An, cây Pơ mu ở Quảng Nam, cây Nghiến ở Lào Cai…
Nếu có dịp về Lào Cai, ngược lên đỉnh Phan Xi Păng, bạn nên nhớ mang theo máy ảnh, để ghi lại những bức ảnh kỷ niệm khó quên, đẹp đến mê hồn về Cây Di sản Việt Nam - hoa Đỗ Quyên.
Một vị cán bộ của Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai cho biết: “Hầu như bốn mùa, rừng Hoàng Liên Sơn đều ngập tràn muôn sắc các loài hoa, nhưng tất cả vẫn thua hoa Đỗ Quyên, bởi tính vượt trội thắm sắc đa màu, bởi nét tinh tuý chỉn chu. Khi Tết đến Xuân về, hoa Đỗ Quyên làm cho cả cánh rừng như bừng thức, tươi tắn dưới nắng Xuân”…Và ông cũng không quên “câu chuyện ngày xửa, ngày xưa” về loài hoa quý.
Truyện kể rằng: có một đôi vợ chồng nghèo sống với nhau rất hạnh phúc. Người chồng thường xuyên vào rừng đốn củi, vợ ở nhà quay tơ dệt vải. Nhưng bỗng một ngày đấu Xuân, chồng vào rừng, vợ đợi mãi mà không thấy về. Trông ngóng nhiều ngày, mà vẫn bặt tin nên người vợ quyết định lên đường đi tìm chồng. Buổi sáng người vợ vào rừng, thì buổi chiều người chồng đi theo lối khác, đã quay trở về nhà.
Người vợ cứ đi mãi, đi mãi cho đến khi kiệt sức gục ngã và chết bên một tảng đá trong rừng sâu. Nơi đó, bỗng nhiên mọc lên một cây hoa rất đẹp dưới nắng Xuân. Còn người chồng khi trở về chẳng thấy vợ đâu. Hỏi người xung quanh, mới biết vợ anh đã đi vào rừng tìm chồng, nên lại khăn gói lên đường tìm. Anh đi mãi đến khi kiệt sức, đành ngồi nghỉ trên tảng đá bên dưới cây hoa. Người chồng cũng gục chết tại đó và hoá kiếp thành một loài chim. Con chim này sống đơn độc trên tán lá cây và thường xuyên cất tiếng kêu thảm thiết mỗi lúc hoàng hôn buông xuống triền núi.
Chứng kiến mối tình thuỷ chung son sắt của đôi vợ chồng trẻ và nghe tiếng hót ai oán của con chim ấy, Thần núi động lòng đã hóa kiếp cho họ ở mãi bên nhau và đặt tên cho cây là cây Đỗ và con chim là chim Quyên. Từ đó người dân trong vùng gọi loài hoa đẹp có con chim thường xuyên đậu trên cành đó là Đỗ Quyên. Cũng có lẽ thế, mà loài cây thân gỗ có hoa rực rỡ của dãy Hoàng Liên Sơn được cộng đồng trân quý, bảo vệ trường tồn và những năm gần đây được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Để cho khu vực này, ngày càng thu hút khách tới thăm, góp phần tạo thêm sinh kế, nâng cao đời sống cho dân địa phương.
Cũng là Cây Di sản và không có hoa rực rỡ sắc màu như Đỗ Quyên, nhưng cây Đa gần nghìn tuổi, mọc chenh vênh bên sườn núi của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) vẫn như thỏi nam châm hút khách trong những năm gần đây. Báo Đà Nẵng ngày 4/2/2019 cho biết: sau hơn 4 năm được gắn bia Cây Di sản Việt Nam cây Đa này đã trở thành một trong 10 điểm níu chân du khách của thành phố.
Sức hút của cây Đa này, không chỉ bởi vẻ đẹp uy nghiêm hùng vĩ, bởi những chú khỉ vàng tinh nghịch chuyền cành tìm kiếm quả chín, mà dưới gốc cây, vẫn còn lưu giữ biết bao câu chuyện thần kỳ, cùng những dấu chân của bao lớp người đi trước. Họ đã ra đi, hóa thân vào cây cỏ để có một “thành phố đáng sống nhất”như hôm nay. Dưới lớp vỏ sù sì kia, vẫn in hằn những vết khắc đang mờ dần theo năm tháng. Vết khắc dó, có thể là một cái tên của những người yêu dấu và cũng có thể là những dấu mốc năm tháng đáng nhớ của một con người, đã sống và dừng chân dưới gốc cây này. Nhìn những vết khắc, chúng ta có thể liên tưởng đến một câu chuyện của thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chuyện kể rằng: có một anh lính trẻ ở miền Bắc, theo tiếng gọi non sông, vào chiến trường miền Nam và đem lòng yêu thương một cô gái. Cuộc chia tay dưới tán rừng, bên gốc cây đại thụ, họ hẹn ước với nhau rằng: Kết thúc chiến tranh, nếu còn sống, thì đúng vào ngày này hàng năm, anh và em sẽ tới gốc cây, để cùng nhau về quê làm lễ thành hôn, nên vợ nên chồng. Nhưng do cuộc sống bộn bề, khó khăn sau chiến tranh, chàng trai về quê lập gia đình và sau đó ra nước ngoài học tập và lao vào công việc tái thiết đất nước. Bỗng một ngày chàng bừng tỉnh, nhớ lại những lời hò hẹn năm xưa. Đúng ngày tháng, chàng trở lại nơi xưa. Dù cây cổ thụ của đại ngàn vẫn đứng đó nhưng chẳng thấy một ai. Chàng chỉ thấy: trên thân cây đã in hằn cả chục vết khắc đang mờ dần theo năm tháng và nhòa đi trong nước mắt.
Nhiều quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại vùng núi phía Bắc được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Chẳng biết những câu chuyện về loài cây, về những kỷ niệm, sự kiện lịch sử diễn ra dưới những gốc cây kia có độ chính xác đến đâu, nhưng chắc chắn là: sự hiểu biết của chúng ta về nó là rất ít. Những Cây Di sản – nhân chứng của lịch sử rất xứng đáng được bảo bảo tồn, tạo điểm nhấn cho du lịch, để mỗi chúng ta được khám phá, tăng thêm sự hiểu biết.
Rất mừng, mới hơn mười năm, mà Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản do VACNE khởi xướng đã trở thành phong trào. Hoạt động này, ngày càng lan tỏa khắp trong cả nước và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Đáng chú ý, là số lượng Cây Di sản Việt Nam trong 3 năm gần đây đã tăng khá nhanh (chiếm tới 40% trong tổng số cây được công nhận từ trước tới nay). Hầu hết những Cây Di sản được vinh danh trong năm qua là Chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng núi phía Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên) và những cây Đại thụ trong các Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia. Sản phẩm khai thác được từ những cây này là nâng cao giá trị hàng xuất khẩu, phát triển Du lịch.
Trong buổi Lễ trao bằng công nhận Cây Di sản vào tháng 9/2022 tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang chí sẻ: Giá trị những cây Chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, sau khi được VACNE trao “Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” được nâng lên rõ rệt. Nó không chỉ được du khách tới thăm ngày càng đông và thường xuyên hơn, mà còn được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ – Organic, với giá bán sản phẩm đã tăng từ 17 đến 30%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, nhờ dám thay đổi tư duy, gắn bó với loại cây đặc sản và dám đầu tư sản xuất, chế biến chè Shan Tuyết cổ thụ, nên nhiều hộ gia đình bà con các dân tộc ít người ở xã Cao Bồ đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cây Chè được tỉnh xác định là một trong những cây hàng hoá chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp và coi rừng chè Shan tuyết cổ thụ - những Cây Chè Di sản là nguồn gien chủ đạo tạo giống, nên tới nay Hà Giang đã phát triển được hơn 16.000 hét-ta Chè Shan tuyết ở vùng cao của các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình. Loài cây này sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng nên là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất chè sạch, chè hữu cơ, với giá bán khá cao, được thị trường thế giới ưa chuộng. Đặc biệt là những lứa chè được thu hái vào mùa Xuân.
Có thể khẳng định: hoạt động Bảo tồn Cây Di sản trong những năm qua ở nước ta không chỉ là bảo tồn Đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn là hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Đây cũng là sự kế thừa nét đẹp truyền thống của người Việt - một cộng đồng các dân tộc thích sống hoà nhập với thiên nhiên và luôn coi những cây cổ thụ là cầu nối lịch sử, là Di sản của quốc gia./.
Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) và kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (11/1988-11/2023).
Nhật Minh
Bình luận