Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ sáu, 28/04/2023 14:04
TMO - Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam Đặng Huy Huỳnh chưa bao giờ coi tuổi già sức yếu là giới hạn ngăn cản bước chân mình đi trèo đèo, lội suối, leo rừng trong những buổi đi nghiên cứu thực tế và dự lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam, ông luôn có cách sống với một nguồn năng lượng tích cực dồi dào và luôn truyền cảm hứng sáng tạo cho mọi người.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học nơi vùng quê nghèo thôn Trúc Hạ, xã Đại Lãnh, nay là Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 12 tuổi, cậu thiếu niên Đặng Huy Huỳnh được bầu làm Đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc thôn Trúc Hà. Từ năm 1947-1956, là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, chiến đấu trên các chiến trường Liên khu 5, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Năm 1956, anh bộ đội Đặng Huy Huỳnh được tập kết ra Bắc để tiếp tục sự nghiệp học hành. Từ năm 1966-1969, được cử đi học, đào tạo ở trong và ngoài nước, làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Tổng hợp Lomonoxop và bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Tiến hóa hình thái Seversov Moskva thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông thành thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Lào. Khi về nước, ông làm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật từ 1976-1995.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh trong chuyến đi thực địa vinh danh Cây Di sản Việt Nam.
Theo chia sẻ của GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh: “Trước đây, tôi là bộ đội ở chiến trường miền Nam, rồi tham gia chiến đấu cùng các bạn Lào, hầu như đều ở trong rừng. Tôi thấy rừng nước mình đẹp quá, các loài động vật rất nhiều. Hết ngày này qua tháng khác, rừng che chở bộ đội chúng tôi, cung cấp thức ăn, nước uống. Vậy nên tình yêu và sự gắn bó của tôi đối với rừng tự nhiên như máu thịt, như hơi thở. Có những lần, trên bước đường hành quân, chứng kiến các vạt rừng ran hoang, cây cối trơ trụi vì bom bạn, tôi và đồng đội đứng ngẩn ngơ, đau xót như chính thân thể mình đang bị thương tích. Không biết từ lúc nào, tôi tự hứa với lòng mình, nếu còn sống trở về, nhất định tôi sẽ làm điều gì đó để hồi sinh màu xanh cho rừng...”.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh cho mình là người có duyên với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên rừng, là người hạnh phúc được thực hiện ước mơ “ làm hồi sinh màu xanh cho rừng”. Thực hiện lời hứa ấy, hơn 60 năm qua, ông đã đi qua nhiều cánh rừng của Việt Nam, từ Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến mũi Cà Mau. Những chuyến đi điền dã ấy, tuy vất vả, nhưng Giáo sư Huỳnh đều cảm thấy vui, vì mình là người lính trở lại nơi đã che chở cho mình. Lần nào cũng vậy, đến với rừng, đứng dưới một gốc cây, nhà khoa học đều cất cao giọng hát “ Ai bảo rừng xanh là quái ác/ Ai bảo Trường Sơn là nắng rát/ Gió núi mưa ngàn sói beo quanh mình xiết bao kinh hoàng/ Tôi bảo rừng xanh là quý giá/ Tôi bảo Trường Sơn yêu biết mấy/ Khi cháy trong lòng tôi lý tưởng dựng xây ngày mai”.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hình như định mệnh đã gắn bó cả cuộc đời của GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh với môi trường thiên nhiên. Ông đã dành cả cuộc đời dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, có đóng góp rất lớn cho lĩnh vực đa dạng sinh học Việt Nam và Thế giới. Trong thời gian, Giáo sư làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trên cương vị Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ông đã chủ trì và chủ nhiệm hàng chục chương trình, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ hoặc tham gia các nhiệm vụ khoa học đột xuất của Chính phủ.
Trong thời gian này, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh có những chuyến đi thực địa hàng tháng trời để nghiên cứu tài nguyên rừng Việt Nam. Chuyến đi nghiên cứu rừng Tây Nguyên, ông cùng các đồng nghiệp của mình phải đi đến tận nơi rừng sâu, núi thẳm, trong hoàn cảnh thiếu muối, đói cơm...tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng để điều tra tổng hợp mọi mặt trong Chương trình trọng điểm quốc gia về Tây Nguyên (1976-1985); hay những chuyến băng rừng, lội suối, trèo đèo, nơi thâm sơn cùng cốc của Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai hay những lần lặn lội trong những cánh rừng ngập mặn ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Từ những chuyến đi thực tế ấy, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đã tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của người dân bản địa trong bảo vệ rừng, trồng cây xanh, làm ruộng bậc thang, trồng cây đồng mức, dẫn nước từ trên núi cao về bản, cứu nạn động vật hoang dã... Những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của người dân tộc Thái, Nùng, Dao, Ba Na, Vân Kiều.... đã được Giáo sư ghi chép cẩn thận. Nhờ cách học hỏi và tích lũy đó mà Giáo sư Huỳnh như “cuốn từ điển sống” về đa dạng sinh học.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh (trong cùng bền trái) tại Lễ công nhận 1.324 cây chè Shan Tuyết của tỉnh Hà Giang là cây Di sản Việt Nam.
Ngoài Chương trình quốc gia nghiên cứu điều tra tổng hợp các tỉnh Tây Nguyên và chương trình xử lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường ra, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh còn tham gia Chương trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chất độc hóa học Da cam/Dioxin do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; dự án nhân nuôi thành công một số loài động vật có giá trị kinh tế cao như hươu sao, nhím, nai... góp phần xóa đói, giảm nghèo, tham gia Hội đồng quản trị chương trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên thực vật các nước Đông Nam Á, chuyên gia giáo dục môi trường quốc tế EEC/IUCN... Giáo sư đã viết, biên soạn 176 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, 15 cuốn sách chuyên khảo được phát hành, 8 cuốn tham khảo về kinh tế xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường và phát triển bền vững, môi trường và biến đổi khí hậu.
Khi nghỉ hưu, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh tham gia vào nhiều tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Trong đó, nhiều năm liền ông làm Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Vào năm 2010 trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, cũng là năm Đa dạng sinh học quốc tế. Để hưởng ứng những sự kiện trọng đại này, nhằm góp phần bảo vệ những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cùng lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đưa ra sáng kiến tổ chức Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.
Từ đó đến nay, VACNE đã huy động cộng đồng phát hiện, làm hồ sơ để xét duyệt, công nhận và vinh danh được trên 6.000 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam thuộc 120 loài thực vật bậc cao ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, từ địa đầu phía Bắc Cao Bằng, Hà Giang cho đến cực Nam của đất nước như Cà Mau,Kiên Giang, từ núi cao Trường Sơn Tây Nguyên tới Côn Đảo, Trường Sa. Trong đó, có 2 cây đa sộp trên huyện đảo Lý Sơn, 3 cây (phong ba, mù u, bàng vuông) trên huyện đảo Trường Sa, quần thể cây đa trên đảo Dấu, huyện Đồ Sơn, Hải Phòng, quần thể 1.650 cây pơ mu ở Tây Giang, Quảng Nam...
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN năm 2017 tại Philippines.
Với những đóng góp không mệt mỏi cho khoa học và bảo vệ môi trường thiên nhiên nên GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh được Đảng và Nhà nước, các đoàn thể nhân dân trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương 70 năm tuổi Đảng, Hàm Giáo sư (năm 1991); Huân chương chiến thắng 1956; Huân chương Kháng chiến hạng Hai (1983); Huân chương Lao động hạng Nhất (1997), đồng tác giả của 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas quốc gia (2005) và công trình về Động vật chí, Thực vật chí và Sách đỏ Việt Nam (2010); Giải thưởng Môi trường Việt Nam (2009); Kỷ niệm chương đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của Lào và Campuchia... Vào năm 2017, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh là một trong 10 người được trao tặng danh hiệu Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN vì có nhiều đóng góp, những sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và khu vực.
Trong một lần về thăm quê Quảng Nam, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đã trả lời câu hỏi của phóng viên rằng: “Thiết nghĩ, Việt Nam, Quảng Nam cũng thế, trong phát triển công nghiệp cần chú trọng tới môi trường. Bởi môi trường là kinh tế, có sức khỏe thì mới phát triển, phát tài được, không thể phát triển nếu cơ thể cứ đau ốm mãi. Sức khỏe, đó là môi trường hiền hòa, xanh sạch đẹp, là cái ứng xử hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Biến đổi khí hậu rất khó lường, nếu thiếu chính sách bền vững, cộng đồng không tham gia hưởng ứng thì sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế. Cần cân đối 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Tôi rất vui mừng khi Đảng, Nhà nước có chủ trương: “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Hy vọng, đây sẽ là động lực lớn cho sự phát triển. Phát triển kinh tế xanh, sống xanh, tiêu dùng xanh, học tập xanh và hy vọng rằng chúng ta sẽ làm được điều đó”.
TT (ghi)
Bình luận