Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 03:12
Thứ hai, 04/11/2024 06:11
TMO - Thời gian gần đây giá cam tại các vùng trồng cam sành của tỉnh Trà Vinh đang rớt giá liên tục khiến nhiều nông dân lâm vào khó khăn vì thua lỗ nặng, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho nông dân.
Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 3.400 ha trồng cam sành. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam nhiều nhất với gần 2.700 ha cho sản lượng khoảng 157.000 tấn/năm. Theo Lãnh đạo Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết, quả cam sành hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên tục mở rộng diện tích trồng cam sành nên cung vượt cầu, đây có thể là một trong số những lý do khiến giá thành của cam sành liên tục giảm trong thời gian gần đây.
Sau khi tăng nhẹ lên 6.000 đồng/kg, hơn 1 tháng nay, giá cam sành ở Trà Vinh tiếp tục quay đầu giảm mạnh. Hiện, cam sành loại I tại đây chỉ còn 3.000 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng cam ở Trà Vinh lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Theo chia sẻ từ một số người dân trồng cam trên địa bàn xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, với diện tích trồng khoảng 3.000 m2 năm 2002, trước đây vườn cam mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho gia đình. Với sản lượng mỗi năm hơn 20 tấn, giá bán từ 18.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi năm, cho lợi nhuận ít nhất cũng 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, giá cam sành luôn ở mức thấp hơn giá thành, tiền bán cam không đủ trang trải chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân. Theo tính toán của nhà vườn, chi phí đầu tư ban đầu để trồng 1 ha cam sành gồm: cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, lên liếp… khoảng 600 triệu đồng và những năm tiếp theo, chi phí khoảng 300 triệu đồng/năm.
Đối với những nhà vườn thuê đất để trồng thì chi phí phát sinh thêm từ 60 - 100 triệu đồng/ha/năm. Sau 2 năm cam sành bắt đầu cho trái với năng suất bình quân từ 70 - 80 tấn/ha/năm. Đại diện Tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết, Tổ hợp tác trồng cam sành ấp Rạch Nghệ thành lập năm 2015 với 25 thành viên trồng trên diện tích 15,5 ha. Hiện nay, các hộ trồng cam hầu hết đều bị thiệt hại kép, bởi không chỉ giá xuống thấp mà các vườn cam còn bị giảm năng suất từ 50 - 70% do không thiết tha chăm, bón.
Do sản xuất không hiệu quả nên một số thành viên trong tổ đã chuyển đổi hơn 2 ha trồng cam sang các cây trồng khác và có kế hoạch sẽ tiếp tục chuyển đổi trong thời gian tới. Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, chiếm hơn 70% diện tích trồng cam toàn tỉnh. Do lợi nhuận hấp dẫn nên nhiều nhà vườn liên tục mở rộng diện tích trồng cam; đến nay, toàn huyện có gần 2.700 ha trồng cam sành, tăng gần 1.200 ha so với năm 2016. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, cam sành được trồng nhiều nhất ở các xã Tam Ngãi, Thông Hòa và Thạnh Phú. Mỗi năm, địa phương cung cấp cho thị trường gần 200.000 tấn cam sành. Tuy nhiên, quả cam sành ở Trà Vinh hiện chưa có thị trường xuất khẩu, chủ yếu bán tươi ở nội địa.
Người dân Trà Vinh thu hoạch cam sành. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Địa phương cũng không có doanh nghiệp thu mua cam sành để chế biến sâu. Trong khi những năm gần đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên tục mở rộng diện tích trồng cam sành nên cung vượt cầu, giá cam thường xuyên ở mức thấp. Trước tình hình trên, để hỗ trợ nhà vườn, huyện Cầu Kè đang phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành trong nước nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho quả cam sành.
Đồng thời, ngành nông nghiệp địa phương cũng tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ trồng cam sành chuyển đổi sang cây trồng khác được tiếp cận chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng khuyến cáo nông dân trong tỉnh không mở rộng thêm diện tích trồng cam. Để giảm chi phí sản xuất, dễ tìm thị trường tiêu thụ cam sành bền vững, nhà vườn nên tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, sản suất theo hướng hữu cơ để có sản phẩm sạch, an toàn.
Sự phát triển ồ ạt của diện tích trồng cam trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hạn chế cho thấy cần có sự quy hoạch và định hướng cụ thể cho ngành trồng cam. Việc tăng cường tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là những giải pháp cần thiết để nông dân Trà Vinh ổn định giá cam và hỗ trợ người trồng.
Huyền Thương
Bình luận