Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/07/2025 09:07
Thứ ba, 15/07/2025 15:07
TMO - TP. Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cảng thủy, bến thủy nội địa, bến du thuyền. Xây dựng các công viên, công trình vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch phía sau bến qua đó thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy nội địa.
TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch đường song với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Từ đó, đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cảng thủy, bến thủy nội địa, bến du thuyền và các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của cảng, bến, nạo vét khu vực trước bến; Xây dựng các công viên, công trình vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch phía sau bến.
Mua sắm tàu thuyền sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường phục vụ du lịch đường thủy nội địa chất lượng cao; Kinh doanh du lịch đường thủy nội địa, phát triển các sản phẩm du lịch mới như tour du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí trên tàu,... góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ; Trình diễn chiếu sáng, show diễn nghệ thuật nhằm thu hút khách đến với loại hình du lịch đường thủy.
Ngoài mục tiêu chính là phục vụ du lịch đường thủy nội địa, hệ thống cảng, bến thủy nội địa còn là nơi đón trả khách, neo đậu tàu thuyền,... phục vụ giao thông công cộng bằng đường thủy, giảm tải áp lực giao thông đường bộ, đa dạng hóa phương thức vận chuyển hành khách.
TP. Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường thủy nội địa (Ảnh: BĐN)
Dự án được chia làm hai giai đoạn chính với ba dự án thành phần. Cụ thể: Giai đoạn 1 (2025-2030): xây dựng 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn, từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn. Đi kèm là hệ thống công viên cảnh quan, đồng thời tiến hành mua sắm tàu thuyền và tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật trên sông. Giai đoạn 2 (2028-2031): gồm hai dự án thành phần. Dự án thành phần 2 sẽ xây dựng 9 bến thủy nội địa dọc các tuyến sông Vĩnh Điện và Cổ Cò. Dự án thành phần 3 xây dựng 4 bến còn lại dọc sông Cẩm Lệ.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, với tiềm năng hơn 90km sông ngòi nội đô, thành phố có đầy đủ điều kiện để phát triển giao thông và du lịch đường thủy. Dự án này sẽ phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có, thu hút nhà đầu tư và nâng cao trải nghiệm du khách. Dự kiến khi hoàn thành, hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa không chỉ là điểm nhấn về cảnh quan mà còn là động lực thúc đẩy mô hình đô thị sông nước – xanh – bền vững của Đà Nẵng trong tương lai.
Trên địa bàn TP.Đà Nẵng, hai tuyến du lịch đường thủy nội địa được khai thác hiện nay gồm tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến CT15 - Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa. Thống kê năm 2024, lượng khách du lịch đường thủy nội địa đạt 939.675 lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023. Với tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, các tàu khởi hành từ khu vực sông Hàn (trước khách sạn Novotel, đường Bạch Đằng) chầm chậm đưa du khách ngắm thành phố về đêm.
Thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cảng thủy, bến thủy nội địa, bến du thuyền.
UBND thành phố ban hành đã Kế hoạch số 95/KH-UBND triển khai đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa TP.Đà Nẵng giai đoạn 2024-2025. Theo kế hoạch, hoạt động du lịch đường thủy nội địa tập trung vào 4 tuyến chính theo hướng khả thi tổ chức hoạt động, dịch vụ vào ban ngày/ban đêm, gồm: Sông Hàn - Trần Thị Lý; Sông Hàn - Cổ Cò; CT15 - Hòn Sụp, Bãi Nam, Bãi Đa; tuyến từ bờ ra đảo: Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (sau khi được cho phép); đồng thời, kết nối sớm triển khai tuyến Sông Hàn - đi vịnh Đà Nẵng.
Để khai thác hiệu quả lợi thế, TP.Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tham gia xây dựng bến thủy nội địa, các bến dừng chân đạt chuẩn, đặc biệt trên những tuyến như sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan. Khi hạ tầng hoàn thiện, tour tuyến mới có cơ hội khai thác đa dạng.
Ngoài ra, việc tái hiện không gian văn hóa ven sông giúp du khách không chỉ đi tàu ngắm cảnh mà còn trải nghiệm các làng nghề truyền thống, các buổi biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa bản địa hai bên bờ; khơi thông sông Cổ Cò để kết nối tuyến thủy từ Đà Nẵng xuống Hội An, hình thành tuyến du lịch văn hóa - sinh thái liên vùng...
Tháng 6/2025, Sở Xây dựng thành phố thông báo mời các nhà đầu tư, các đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa quan tâm đầu tư phương tiện hạng sang, hiện đại khai thác hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa.
Việc mời gọi đầu tư nằm trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của ngành xây dựng, đồng thời tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn TP.Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phương tiện thủy nội địa hạng sang, hiện đại hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.../.
Lê Hân
Bình luận