Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ sáu, 11/07/2025 06:07
TMO - Với nhiều điều kiện thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp, xã Bình Mỹ (tỉnh An Giang) đang đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh rau màu, hướng đến sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường.
Mô hình này góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân Bình Mỹ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả và bền vững. Quá trình phát triển vùng chuyên canh rau màu đang trở thành hướng đi chủ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với điều kiện đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào và kinh nghiệm canh tác lâu năm của người dân, địa phương đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo từng loại cây trồng phù hợp.
Đặc biệt tại khu vực cù lao Bình Thuỷ, nhờ có áp dụng đồng bộ các giải pháp, hoạt động canh tác, sản xuất rau màu của nơi đây đã mang lại năng suất, chất lượng hiệu quả. Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà lưới, phân hữu cơ vi sinh đã góp phần giảm chi phí đầu cho nông dân.
Đồng thời, chính quyền địa phương còn tích cực kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống rõ rệt. Mô hình chuyên canh rau màu không chỉ giúp người dân cù lao Bình Thủy tận dụng hiệu quả tiềm năng sẵn có mà còn mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp sạch, bền vững trong thời gian tới.
Với đặc thù địa hình cù lao, nguồn nước cung cấp cho nông dân trồng rẫy ở Bình Thủy khá dồi dào, nên chất đất màu mỡ quanh năm. Bên cạnh đó, trình độ canh tác hoa màu của nông dân Bình Thủy khá chuyên nghiệp, nên sản lượng cung cấp ra thị trường dồi dào.
Nhiều năm qua, nông dân Bình Thủy tích cực tham gia học hỏi kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây màu. Một số nông dân tham gia vào hợp tác xã để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc canh tác hoa màu.
Đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Lợi Phát cho hay, hợp tác xã hiện có 35 thành viên tham gia, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác các loại rau màu và thông tin giá cả, thị trường. Hợp tác xã dự định làm đầu mối thu mua rau màu của xã viên, để phân phối ra thị trường. Mặc dù vậy, nông dân trồng rẫy cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về đầu ra nông sản. Về kỹ thuật, HTX có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhưng vẫn chưa có nơi tiêu thụ ổn định. Trong khi rau màu là loại phải tiêu thụ sớm, không thể tồn trữ lâu ngày.
Rau màu mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân vùng cù lao Bình Thuỷ. (Ảnh: HC).
Trước thực tế trên, hiện một số nông dân Bình Thủy liên kết với công ty để canh tác theo “đơn đặt hàng”, nhưng số lượng không nhiều và thiếu tính bền vững. Do đóngười dân mong được ngành chuyên môn, địa phương có biện pháp hỗ trợ đầu ra, giúp họ yên tâm sản xuất.
Về định hướng tháo gỡ khó khăn cho cây màu Bình Thủy, Lãnh đạo UBND xã Bình Mỹ thông tin, Bình Thủy từng được quy hoạch là vùng chuyên canh màu, với diện tích hơn 500ha. Mục tiêu là hình thành vùng sản xuất rau an toàn, đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ của doanh nghiệp. Vì nhiều yếu tố, công tác này chưa đạt kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay đã mở ra hướng phát triển cho rau màu ở Bình Thủy. Xã sẽ phát triển trở lại vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại xứ cù lao, nhằm khẳng định thương hiệu cho rau màu Bình Thủy. Sau sáp nhập 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang, việc tiêu thụ rau màu sẽ thuận lợi hơn, bởi địa giới hành chính của tỉnh An Giang mới bao gồm các vùng biển đảo. Khi đó, việc kết nối tiêu thụ rau màu trong tỉnh sẽ dễ dàng hơn so trước đây, giúp nông dân Bình Thủy có được đầu ra ổn định, thông qua hỗ trợ của địa phương và ngành chuyên môn trong thời gian tới.
Phát triển vùng chuyên canh rau màu tại xã Bình Mỹ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn góp phần định hình hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Sự chủ động trong quy hoạch sản xuất, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và kết nối thị trường đã giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và cải thiện thu nhập.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để địa phương xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục được đầu tư đúng hướng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ, vùng chuyên canh rau màu Bình Thủy hoàn toàn có thể trở thành vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh An Giang.
Thu Giang
Bình luận