Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/07/2025 17:07
Thứ hai, 14/07/2025 06:07
TMO - Tỉnh Tây Ninh tích cực triển khai nhiều mô hình khuyến nông ứng dụng kỹ thuật cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản. Các mô hình này góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn.
Quá trình triển khai hàng loạt mô hình khuyến nông ứng dụng kỹ thuật cao đang tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Ninh. Các mô hình này không chỉ giới thiệu kỹ thuật tiên tiến mà còn giúp nông dân tiếp cận quy trình sản xuất hiệu quả hơn, giảm chi phí và tăng chất lượng nông sản.
Nhiều mô hình canh tác rau màu an toàn, đã được áp dụng thành công ở nhiều địa phương. Thông qua hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, các hộ dân được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng vật tư đầu vào hợp lý, bảo vệ đất và môi trường. Đặc biệt, sự đồng hành của lực lượng khuyến nông cơ sở đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, tạo động lực để nhân rộng mô hình ra quy mô lớn hơn.
Đây được xem là bước đi phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại mà Tây Ninh đang theo đuổi, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và cải thiện thu nhập bền vững cho nông dân trong bối cảnh hội nhập. Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã thực hiện 35 mô hình khuyến nông, tập trung vào cây trồng và vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chính sách của Nhà nước đến người dân.
Quá trình triển khai các đề án, dự án, mô hình khuyến nông đã tạo ra bước đột phá cho ngành Nông nghiệp địa phương, qua đó nâng cao nhận thức về lợi ích canh tác hữu cơ, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nông sản sản xuất có chất lượng tốt hơn, giá trị tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh đạt gần 148.700 ha, năng suất bình quân đạt 55,21 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 820.900 tấn. Các vùng sản xuất tập trung chủ yếu ở 4 huyện, thị xã: Châu Thành (khoảng 40.704 ha), Trảng Bàng (33.798 ha), Bến Cầu (33.359ha), Gò Dầu (18.274 ha). Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tình hình sản xuất lúa còn gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; tỷ lệ liên kết chuỗi còn thấp;
Bên cạnh đó, tiêu thụ còn phụ thuộc thương lái dẫn đến giá bấp bênh, thu nhập thấp; thương hiệu gạo chưa phát triển; diện tích lúa đạt chứng nhận VietGAP còn hạn chế; tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến. Hệ quả làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận và ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục các vấn đề trên và định hướng ngành sản xuất lúa theo hướng nâng cao chất lượng, hình thành vùng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều mô hình khuyến nông trên cây lúa đã được triển khai như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 80 ha (năm 2023–2025; mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận, quy mô 120 ha/năm (2024–2025) tại các xã như Châu Thành…
Tây Ninh phát triển diện tích cây ăn trái với các mô hình, kỹ thuật canh tác tiên tiến. (Ảnh: VG).
Bên cạnh đó, Tây Ninh còn chú trọng phát triển cây ăn trái. Từ năm 2023-2025, sản xuất cây ăn trái ở Tây Ninh đã có những bước phát triển quan trọng, với diện tích, chất lượng và thị trường tiêu thụ đều được mở rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Năm 2023, diện tích trồng cây ăn trái đạt 25.000 ha (tăng hơn 1.000 ha so với 2022), sản lượng gần 333.000 tấn.
Công tác cấp mã số vùng trồng được đẩy mạnh, với 15 mã số cho hơn 552 ha xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP tăng hơn 652 ha; GlobalGAP 23,6 ha và sản xuất hữu cơ 4 ha.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến nông, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ khuyến nông và tăng cường xây dựng liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản; đồng bộ hoá quản lý và tổ chức hoạt động khuyến nông.
Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao và tuyên truyền các tiến bộ khoa học công nghệ mới; huấn luyện và nâng cao nhận thức, trình độ của nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường nông sản, hàng hoá đến nông dân.
Tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông, chọn điểm và hộ phù hợp để nâng cao hiệu quả; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch khuyến nông theo nhu cầu thực tế của địa phương, ưu tiên mô hình tiềm năng có khả năng nhân rộng; phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản; tập trung đào tạo nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.
Đặc biệt, nhân rộng mô hình hiệu quả, tuyên truyền, phổ biến các chính sách và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Quá trình đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông kỹ thuật cao tại Tây Ninh cho thấy địa phương đang tích cực hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Những mô hình này không chỉ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Khi khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu khắt khe củathị trường. Mang lại doanh thu tốt hơn và ổn định cho người nông dân.
Xuân Trường
Bình luận