Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 23:07
Thứ bảy, 12/07/2025 16:07
TMO - Trước tình hình dịch hại đã phát sinh gây hại trên các trà lúa tại nhiều địa phương, trong đó có châu chấu tre, UBND tỉnh yêu cầu UBND các xã, phường; các ngành chức năng khẩn trương tổ chức, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ Hè Thu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu tại các địa phương đã hoàn thành kế hoạch, đạt trên 45 nghìn ha, diện tích gieo trồng các loại cây trồng cạn đạt gần 10 nghìn ha, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Mặc dù vậy, theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thời gian gần đây tình hình dịch hại trên cây trồng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước diễn biến phức tạp, không theo quy luật, phát sinh gây hại mạnh với mật độ cao, diện phân bố rộng, nhất là các loại sâu bệnh, dịch hại như: Rầy nâu, Sâu cuốn lá nhỏ, Châu chấu tre,... Tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ diện tích nhiễm Sâu cuốn lá hơn 3.500 ha; Rầy nâu, Rầy lưng trắng hơn 400ha; Châu chấu tre 172ha.
Tại Hà Tĩnh, một số đối tượng dịch hại đã phát sinh gây hại trên các trà lúa tại nhiều địa phương. Rầy nâu, Rầy lưng trắng phát sinh gây hại, với diện tích nhiễm nặng hơn 50ha, phổ biến tại các xã: Thạch Lac, Đồng Tiến, Cẩm Xuyên, Can Lộc...; Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại, với diện tích nhiễm nặng hơn 30ha, phổ biến tại các xã Đồng Tiến, Thạch Khê, Cẩm Bình, Hồng Lộc, Đức Thịnh, Đức Quang...;
Ngoài ra Châu chấu tre (là đối tượng dịch hại lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn Hà Tĩnh) được phát hiện với mật độ cao, gây hại nặng trên một số đối tượng cây trồng (tre, giang, ngô, cỏ voi, mía,.. ) tại khu vực rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, vùng ven rừng thuộc các xã Cẩm Duệ, Cẩm Lạc,... diện tích nhiễm khoảng 10ha. Dự báo thời gian tới, các đối tượng dịch hại tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến năng suất cây trồng vụ Hè Thu.
Châu chấu tre gây hại trên cây trồng tại một số địa phương (Ảnh: AN)
Để chủ động phòng trừ dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường: Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến dịch hại; khẩn trương huy động các nguồn lực, nhân lực tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, trừ hiệu quả, đảm bảo không để dịch hại bùng phát, lây lan rộng làm ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất.
Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị chủ động phối hợp với cán bộ chuyên môn đơn vị cấp tỉnh thường xuyên bám sát đồng ruộng, thực hiện điều tra, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến để phát hiện sớm và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, trừ dịch hại, hạn chế tối đa thiệt hại đối với các loại cây trồng. Riêng đối với phòng, trừ Châu chấu tre, chủ động phối hợp với các Ban quản lý rừng trong việc điều tra, phát hiện, khoanh vùng và thực hiện các biện pháp phòng, trừ.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình, diễn biến dịch hại đến tận thôn xóm, các hộ sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư phòng chống dịch bệnh; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, các Ban quản lý rừng chủ động nắm bắt thông tin, tình hình, diễn biến dịch hại; phối hợp với các Sở, ngành chức năng chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch hại cây trồng tại các địa phương. Phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, phối hợp UBND cấp xã hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, trừ dịch hại. Kịp thời, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.../.
Mỹ Vân
Bình luận