Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Chủ nhật, 19/01/2025 04:01
TMO - Dự báo trong năm 2025 sẽ tiếp tục xuất hiện các xu hướng gia tăng của hình thái thời tiết cực đoan, khốc liệt diễn ra ở nhiều nơi như bão mạnh, mưa lớn kéo dài, và hạn hán…Vì vậy các cơ quan, đơn vị liên quan cùng người dân cần sớm lên kế hoạch, chủ động các biện pháp ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.
Theo Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2024 đánh dấu một năm đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai cực đoan tại Việt Nam. Các loại hình thiên tai diễn ra ở quy mô rộng, mức độ nghiêm trọng chưa từng có, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việc nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai là vấn đề cấp bách cần được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
Thiên tai lớn nhất trong năm 2024 chính là bão số 3 (Yagi), đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích, gấp 2 lần thiệt hại về người cả năm 2023. Tổng thiệt hại vật chất gần 83.746 tỷ đồng, gấp tới 9 lần thiệt hại về vật chất do thiên tai cả năm 2023.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích, gấp 3 lần so với năm 2023 và 2,4 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023; 2.207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng, gấp 9,52 lần với năm 2023 và 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023.
Trước những thiệt hại to lớn trong năm 2024, đòi hỏi các cấp chính quyền, cùng người dân cần sớm có kế hoạch, chủ động ứng phó với các diễn biến của thời tiết, nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai, sạt lở, bão lụt gây ra. Mặc dù vậy, trong năm 2025, theo dự báo từ các chuyên gia, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự báo thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra khốc liệt ở nhiều nơi.
Cụ thể, theo Lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (KTTV) Quốc gia cho biết, năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng tháng 6), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông khoảng 11 - 13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5 - 6 cơn). Hiện tượng nắng nóng có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm, nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4 và phía Đông Bắc Bộ, khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi.
Tuy nhiên, nhiều khả năng nắng nóng trong năm 2025 sẽ không gây gắt và kéo dài như năm 2024. Về không khí lạnh, hoạt động tương đương trung bình nhiều năm nên sẽ có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong giai đoạn từ tháng 1 - 3/2025, trong đó cần đề phòng xuất hiện các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi phía Bắc. Trong năm 2025, số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm (khoảng 20 đợt).
Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) phối hợp với các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm người mất tích tại trận lở núi Làng Nủ đợt tháng 9/2024.
Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ. Ven biển phía Đông Nam Bộ có 6 đợt triều cường cao, vào các ngày 1 - 6/3, 28/3 - 3/4, 27/4 - 3/5, 7 - 13/10, 4 - 10/11 và 4 - 10/12. Trong đó, đợt triều ngày 4 - 10/11 và 4 - 10/12, mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt trên 4,3 m. Trong mùa khô đầu năm 2025, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, từ tháng 2 - 4/2025 xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp tại các địa phương, tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Từ tháng 3 - 7/2025, tình hình khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Để chủ động dự báo và cung cấp kịp thời thông tin về tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, gia tăng về tần suất và cường độ, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo tăng cường theo dõi, giám sát diễn biến của trạng thái khí quyển - đại dương và phát tin cảnh báo, thông báo về các thiên tai khi số liệu quan trắc, dự báo đạt ngưỡng. Đặc biệt phải tập trung quan tâm đối với khu vực chịu ảnh hưởng của mỗi đợt thiên tai có nguy cơ tác động lớn như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, hạn hán…
Cơ quan khí tượng sẽ chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm đến Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Trong đó, cơ quan này nghiên cứu ứng dụng AI trong dự báo, cảnh báo thiên tai, trước mắt là đối với dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật thông thường. Đáng chú ý, việc sử dụng AI sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn (quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình số...) và sử dụng hiệu quả nhất trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Việc hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin dữ liệu, đặc biệt trên biển đối với bão và ở thượng nguồn các dòng sông chảy vào Việt Nam, sẽ được tăng cường thông qua hợp tác song phương và đa phương.
Trước các hình thái thời tiết trên, Lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn.
Các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực và cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó. Chính quyền và các đơn vị chức năng cần vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá...
Bên cạnh đó, địa phương cần tiến hành tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng tham gia công tác ứng phó với thiên tai, giả định các tình huống sát đúng với thực tế để khi có thiên tai triển khai ứng phó theo phương châm tại chỗ ngay những giờ đầu để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân. Đồng thời, người dân phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, thời tiết cực đoan gây ra…/.
Đức Cường
Bình luận