Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 11:07
Thứ năm, 19/06/2025 06:06
TMO - Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi trọng yếu trước mùa mưa lũ. Nhiều hồ chứa, đập dâng, kênh mương đã được gia cố, sửa chữa, đảm bảo an toàn vận hành và phát huy hiệu quả trong phòng, chống thiên tai cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra mà còn góp phần ổn định đời sống và sinh kế của người dân tỉnh Quảng Ninh. Thực tế hiện nay, trên địa bàn, nhiều hồ chứa nước, đập ngăn lũ và công trình điều tiết đã xuống cấp sau thời gian dài khai thác. Đặc biệt là sau cơ bão số 3/2024 đã khiến nhiều công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa lớn kéo dài.
Do đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã rà soát, phân loại mức độ hư hỏng và tập trung nguồn lực để sửa chữa, gia cố theo thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá khả năng vận hành, tiêu thoát nước cũng được thực hiện đồng bộ, nhằm đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả trong mọi tình huống.
Việc đầu tư cho thủy lợi không chỉ giúp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế ngập úng và xói lở đất mà còn góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, chủ động củng cố hạ tầng thủy lợi là bước đi quan trọng để Quảng Ninh tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và bảo vệ an toàn cho toàn Nhân dân.
Quảng Ninh hiện có 189 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 365,59 triệu m3; 460 đập dâng, 103 trạm bơm tưới, tiêu và trên 3.790km kênh mương các loại. Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Sở NN&MT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương quản lý công trình thủy lợi tổ chức rà soát, đánh giá các công trình.
Trong đó, tập trung kiểm tra lại các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn; tiến hành gia cố, sửa chữa các công trình để đảm bảo an toàn, hoạt động hiệu quả trong mùa mưa bão. Đối với các trạm bơm tiêu úng, ngay từ đầu mùa mưa bão đã bảo dưỡng và tiến hành chạy thử để có thể vận hành tốt khi có yêu cầu.
Công trình hồ Khe Giữa (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả).
Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ lớn năm 2024, nhiều công trình đê điều, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã bị sự cố, hư hỏng, trong có 10 công trình bị hư hỏng nặng. Bao gồm: Hồ chứa nước Yên Lập (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) bị sụt mái phía thượng lưu thân đập chính; hồ Đập Làng (phường Tràng An, TP Đông Triều) bị sạt mái thượng lưu đập; các tuyến đê Điền Công (TP Uông Bí), Hồng Phong, Thủy An, La Dương, Sông Nguyễn, Phúc Đa (TP Đông Triều) bị sạt lở phần mái, mặt đê, thân đê bị thấm nước.
Đáng chú ý, tuyến đê Hà Tràng Tây (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) có chiều dài 6,2km đã bị sạt lở phần mái và mặt đê ở một số đoạn gây ngập úng cho 400 hộ dân thuộc 3 thôn: Hà Tràng Đông, Hà Tràng Tây, Nà Bắc, cuốn trôi nhiều tài sản và xóa sổ cánh đồng rau sạch thôn Nà Bắc... Để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh đã chủ động bố trí 56,6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và Quỹ phòng chống thiên tai để thực hiện sửa chữa, khắc phục 12 công trình hồ, đập, đê điều.
Đến nay, 4 công trình đập dâng bị thiệt hại do bão số 3, gồm: Chặng 1 Làng Đài, Hà Thanh, Hà Tràng Đông và Hà Tràng Tây (xã Đông Ngũ, Đông Hải, huyện Tiên Yên) do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông làm chủ đầu tư, kinh phí thực hiện 13,8 tỷ đồng đã khắc phục xong, đưa vào khai thác. Lãnh đạo UBND xã Đông Hải cho biết: Đập dâng Hà Thanh có chiều dài gần 1km, nhiệm vụ chính là cấp nước tưới cho gần 180ha đất nông nghiệp và bảo vệ khoảng 200 hộ dân với gần 700 nhân khẩu của xã. Việc khắc phục sớm công trình thủy lợi này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão mà còn góp phần điều tiết nước tưới, ổn định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn xã.
Các công trình thuỷ lợi góp phần điều tiết nước tưới ổn định.
Đáng chú ý, hiện nay Quảng Ninh đang tập trung khắc phục sự cố sạt lở kênh sau tràn hồ tại xã Lương Minh (huyện Ba Chẽ); sửa chữa đập chính, đập phụ số 1 và tràn xả lũ hồ chứa nước Vòong Tre xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn); sửa chữa mái đập hồ đập Làng phường Tràng An (TP Đông Triều); sửa chữa đê Hồng Phong đoạn qua nhà máy ngói Đông Triều và 2 cống dưới đê (TP Đông Triều); duy tu bảo dưỡng tuyến đê Hang Son, Điền Công (TP Uông Bí)... nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão.
Sở NN&MT Quảng Ninh cho biết, để đảm bảo an toàn chống lũ, bão cho các tuyến đê, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân, ổn định phát triển kinh tế - xã hội trước thiên tai, biến đổi khí hậu, đơn vị đang tổ chức lập Đề án “Nâng cao an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trên cơ sở kết quả của Đề án sẽ đề xuất danh mục dự án cụ thể để củng cố toàn diện hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.
Tập trung, chủ động nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ cho thấy tỉnh Quảng Ninh luôn sát sao trong công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ an toàn cho người dân. Những nỗ lực này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn vận hành hệ thống thủy lợi trong điều kiện thời tiết cực đoan, mà còn giúp ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo vệ cơ sở hạ tầng và sinh kế vùng nông thôn, miền núi.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục duy trì kiểm tra, đánh giá định kỳ và đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân trong quản lý, vận hành, khai thác công trình hiệu quả.
Đây là yếu tố quan trọng, cụ thể giúp Quảng Ninh nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, từng bước xây dựng nền nông nghiệp an toàn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản trong lĩnh vực thủy lợi sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương giảm thiểu rủi ro, bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Minh Trang
Bình luận