Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ hai, 28/03/2022 15:03
TMO - Thời gian qua, nhiều hệ thống thủy lợi đã phải hứng chịu một lượng lớn nước thải đổ vào. Những nguồn nước thải không được kiểm soát đang dần hủy hoại môi trường, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, cũng như sản xuất nông nghiệp
Theo Tổng cục Thủy lợi, cả nước hiện có hơn 900 hệ thống thủy lợi quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; hơn 86 nghìn công trình thủy lợi, gồm đập, hồ chứa; gần 20 nghìn trạm bơm; 28 nghìn cống; 32 nghìn đập dâng, đập tạm; 290.000 km kênh mương bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, chất lượng nước ở rất nhiều công trình thủy lợi không bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt.
Kênh mương tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ô nhiễm nghiêm trọng
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương). Những năm gần đây, hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương đã có nhiều kiến nghị các bộ, ngành trung ương, nhằm giảm ô nhiễm cũng như giám sát chất lượng nước. Mặc dù vậy, hệ thống thủy lợi này vẫn ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Là địa phương nằm phía hạ nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương chịu nhiều tác động bởi tình trạng ô nhiễm từ các dòng kênh, nhất là các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang và một phần của thành phố Hải Dương đang phụ thuộc hoàn toàn nguồn nước tưới từ Bắc Hưng Hải. Theo ước tính, có khoảng 5.000 ha rau, chiếm khoảng 14% diện tích rau toàn tỉnh, chủ yếu rau ăn lá, bắp cải, su hào, súp lơ sử dụng trực tiếp nước tưới của hệ thống thủy lợi này.
Sản xuất của người dân ven kênh bị ảnh hưởng vì nguồn nước ô nhiễm
Bên cạnh Bắc Hưng Hải, hệ thống thủy nông Bắc Nam Hà cung cấp nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho tám huyện, thành phố thuộc hai tỉnh Nam Định, Hà Nam cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hệ thống này cung cấp nước tưới cho hơn 59.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1,2 triệu dân, các khu công nghiệp tập trung và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong vùng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi: chỉ số DO, COD, BOD5 của một số đợt quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép dùng cho tưới tiêu (gấp 3-5 lần). Chỉ số NH4+ tại Trạm bơmTriệu Xá (Hà Nam) vượt 10 lần, chỉ số coliform tại Cầu Chủ, sông Châu Giang vượt 2,4 lần.
Việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải tại nhiều địa phương hiện chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở mức thấp, nước thải từ các làng nghề chưa được xử lý một cách hiệu quả, vẫn hằng ngày xả ra các dòng kênh thủy lợi. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Các địa phương ra quân làm sạch hệ thống kênh, mương chảy qua địa phận
Việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước, mực nước mùa kiệt trên nhiều hệ thống sông có xu hướng giảm rõ rệt trong những năm gần đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ô nhiễm thêm trầm trọng.
Trước thực trạng trên, cần có sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, mới có thể khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong các công trình, hệ thống thủy lợi hiện nay.
Hữu Thi
Bình luận