Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 03:11
Thứ hai, 13/03/2023 13:03
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển khu công nghiệp sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên nhờ giảm sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; thực hiện mục tiêu về quản lý nhà nước cũng như cam kết về môi trường...
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 397 khu công nghiệp đã được thành lập, có 291 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 58,7 nghìn ha và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,8 nghìn ha.
Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng đã gây ra những ảnh hưởng, tác động nhất định đến môi trường. Trong đó, một số khu công nghiệp chưa hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại.
Thống kê của Bộ TN&MT, tỷ lệ khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu đã đi vào hoạt động mà chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả, xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính khoảng 70% trong số hơn một triệu mét khối nước thải mỗi ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.
Những áp lực đối với môi trường trong phát triển kinh tế tại các KCN, đòi hỏi cần thiết phải chuyển đổi sang các mô hình khu công nghiệp sinh thái bền vững. Ảnh: BBD.
Một trong những thách thức đặt ra với các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay là sự phát triển thiếu đồng bộ, gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu công nghiệp… Đây là những yếu tố tạo ra những thách thức đối với cộng đồng, làm giảm sức cạnh tranh cũng như ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Từ đó đặt ra yêu cầu và sự cần thiết phải chuyển đổi sang các mô hình khu công nghiệp sinh thái bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, bởi xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Cùng với thế giới, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từng bước thực hiện lộ trình trên, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7/1/2022 đã có quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Việc tiếp tục triển khai khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Thời gian qua, các quy định về khu công nghiệp sinh thái đã được hoàn thiện tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; khu công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam,…
Trong đó, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế nhấn mạnh vào 3 tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái đó là: Nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp; cơ chế giám sát đầu vào đầu ra và báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm phát thải).
Doanh nghiệp trong khu công nghiệp (tuân thủ quy định pháp luật; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp); Khu công nghiệp (diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25% trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp).
Phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai Dự án thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Dự án đã triển khai hỗ trợ thí điểm ở KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).
Mô hình khu công nghiệp sinh thái được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015-2019 tại 3 khu công nghiệp. Trên cơ sở kế thừa các kết quả Dự án khu công nghiệp sinh thái giai đoạn 2015-2019, với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển khu công nghiệp sinh thái của UNIDO, Dự án đã góp phần nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, phù hợp với nhiều cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo kế hoạch sơ bộ, từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2024, Dự án tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách quốc gia về xây dựng, triển khai chính sách về khu công nghiệp sinh thái và các hoạt động hỗ trợ đánh giá công nhận khu công nghiệp sinh thái; hỗ trợ thực hiện các cơ hội khu công nghiệp sinh thái tại các khu công nghiệp lựa chọn đem lại lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp; triển khai xây dựng Dự án mới sau buổi họp cấp cao của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UNIDO, SECO (tháng 11/2022).
Thời gian tới, Dự án tiếp tục lồng ghép các giải pháp thực hiện khu công nghiệp sinh thái trong các chương trình, kế hoạch phát triển khu công nghiệp sinh thái tại các địa phương và theo đúng định hướng, lộ trình về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các lộ trình phi carbon hóa mà Chính phủ đã đề ra.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các khu công nghiệp sinh thái, đặc biệt là hoàn thiện các hoạt động can thiệp ở cấp doanh nghiệp trong sản xuất sạch hơn, cũng như cụ thể hóa mạng lưới cộng sinh công nghiệp trong quá trình nghiên cứu; đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghiệp ở cấp trung ương và địa phương, các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; phấn đấu hỗ trợ đầy đủ các thủ tục pháp ký và kỹ thuật để một số khu công nghiệp sẽ được công nhận khu công nghiệp sinh thái vào thời điểm kết thúc Dự án khu công nghiệp sinh thái.
Trần Ngân
Bình luận