Hotline: 0941068156
Thứ hai, 07/07/2025 14:07
Thứ hai, 07/07/2025 06:07
TMO - Thay vì áp dụng đồng loạt trên cả nước, tiêu chuẩn khí thải ô tô có thể được áp dụng khác nhau theo từng khu vực khác nhau. Đây là đề xuất mới của Bộ Xây dựng nhằm phù hợp với điều kiện hạ tầng, mức độ ô nhiễm và nhu cầu phát triển của từng địa phương.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và TPHCM, thay vào đó áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô lưu hành theo khu vực. Trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát khí thải phương tiện cần phù hợp với đặc điểm dân cư, hạ tầng và mức độ ô nhiễm không khí của từng địa phương.
Tại các đô thị lớn có mật độ giao thông cao, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như Hà Nội và TPHCM sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn so với các vùng nông thôn, miền núi. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong đề xuất hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị, nông thôn.
Tính đến cuối năm 2024, Hà Nội có 1,5 triệu ôtô và 6,5 triệu xe máy. Trong khi đó, TP HCM có 7,5 triệu xe máy và 700.000 ôtô. Tính trung bình mỗi ôtô có dung tích xi lanh là 2 lít quy đổi, mỗi xe máy là 100 cc, tức là một ôtô bằng 20 xe máy. Rõ ràng, dung tích xi lanh càng lớn thì lượng xả thải càng nhiều. Nếu dựa trên số phương tiện ở trên thì xe cộ ở Hà Nội xả thải nhiều hơn ở TP HCM.
So sánh về diện tích đô thị, diện tích tự nhiên của Hà Nội là trên 3.000 km2, còn TP HCM là trên 2.000 km2. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ có chưa đến 100 km2 đô thị, còn lại là diện tích đồng ruộng và rừng quốc gia. Còn TP HCM có 820 km2 đô thị, tức là phần diện tích đô thị lớn gấp khoảng tám lần Hà Nội.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc áp dụng đồng đều một tiêu chuẩn khí thải trên cả nước là chưa phù hợp với thực tiễn phát triển và năng lực của từng vùng. Bên cạnh đó, đề xuất cũng hướng tới việc thúc đẩy các đô thị đầu tàu như Hà Nội, TP.HCM đi đầu trong lộ trình loại bỏ dần phương tiện phát thải cao, khuyến khích sử dụng xe điện, xe thân thiện môi trường.
Các thành phố lớn hướng tới loại bỏ dần các phương tiện giao thông phát thải cao. (Ảnh minh hoạ: BDT).
Việc phân vùng tiêu chuẩn khí thải không chỉ góp phần giảm áp lực môi trường đô thị mà còn tạo điều kiện để các địa phương xây dựng chính sách phù hợp, linh hoạt hơn trong kiểm soát phương tiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để triển khai hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành liên quan như Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an và chính quyền địa phương. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống kiểm định khí thải và chế tài xử lý đủ mạnh nhằm đảm bảo khả thi và công bằng trong thực hiện.
Theo văn bản góp ý kiến mới nhất đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng QCVN (quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam) khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu bỏ quy định tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và TPHCM đang quy định tại khoản 3, 4 Điều 4 của dự thảo.
Bộ Xây dựng cho biết, đến 1/1/2026 sẽ có một lượng xe nhất định sản xuất từ năm 2017 không được lưu hành trên toàn quốc do không đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mức 3, một lượng xe sản xuất từ năm 2022 không được lưu hành trên toàn quốc do không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4.
Đến 1/1/2028 một lượng xe sản xuất từ năm 2022 trở đi không được lưu hành trên toàn quốc do không đáp ứng được mức 5. Trong khi đó, các xe có năm sản xuất trước đó vẫn được lưu hành do được áp dụng mức khí thải thấp hơn (mức 1, mức 2).
Với các lý do trên, Bộ Xây dựng đề xuất lộ trình áp dụng mức khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam như sau: Khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2026 áp dụng mức 3; từ 1/1/2028 áp dụng mức 4; từ ngày 1/1/2030 áp dụng mức 5.
Khu vực ngoại thành của các thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2026 áp dụng mức 2; từ 1/1/2028 áp dụng mức 3; từ 1/1/2030 áp dụng mức 4. Các khu vực còn lại áp dụng như sau: Áp dụng mức 1 đối với xe có năm sản xuất trước năm 1999; mức 2 đối với xe có năm sản xuất từ năm 1999 trở về sau kể từ ngày quyết định này có hiệu lực và từ ngày 1/1/2028 áp dụng mức 2.
Tại văn bản kiến nghị, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi hiệu lực thi hành Quyết định từ ngày 1/1/2026, lý do là để các cơ quan quản lý có thời gian xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Mặt khác, người dân cũng có thời gian chuẩn bị sửa chữa, bảo dưỡng, chuyển đổi phương tiện cho phù hợp với lộ trình áp dụng mức khí thải ô tô lưu hành.
Cần nâng cao ý thức cho người dân và chuẩn bị kỹ lưỡng khi áp dụng quy định về giảm phát thải đối với phương tiện giao thông. (Ảnh: BDT).
Phía các cơ sở đăng kiểm có thời gian chuẩn bị trang thiết bị, nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông,... tổ chức truyền thông và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân trước khi áp dụng quy định này. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần có thời gian để các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện phù hợp với lộ trình khí thải của quyết định.
Về nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đã tiếp thu và sửa thành quyết định có hiệu lực thi hành kể từ sau ngày ký tối thiểu 45 ngày theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và như vậy ngày có hiệu lực cũng gần tương tự ngày góp ý của Bộ Xây dựng.
Việc phân vùng tiêu chuẩn khí thải không chỉ tạo cơ sở khoa học cho việc quản lý phương tiện giao thông mà còn giúp định hướng rõ ràng cho các địa phương trong xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, đề xuất này cần được cụ thể hóa thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Môi trường, Công an, cũng như sự đồng thuận từ chính quyền địa phương và người dân.
Đặc biệt, cần đầu tư mạnh vào hệ thống kiểm định khí thải, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ giám sát và xử lý vi phạm, từ đó tạo nền tảng pháp lý và kỹ thuật đủ mạnh để đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Bên cạnh đó, lộ trình triển khai cũng cần linh hoạt, có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện phù hợp với thu nhập của người dân ở từng vùng miền. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường như xe điện…cần được gắn liền với các chính sách ưu đãi tài chính và đầu tư đồng bộ về hạ tầng sạc, bảo trì.
Như vậy, nếu được xây dựng và thực hiện đồng bộ, đề xuất phân vùng tiêu chuẩn khí thải sẽ là một công cụ hiệu quả giúp kiểm soát ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng sống và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Lê Thông
Bình luận