Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 11/09/2023 13:09
TMO - Thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng "được mùa, mất giá"…
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 05 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và 04 năm thực hiện Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Đồng Nai về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả: kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể chính sách của Trung ương để triển khai trên địa bàn tỉnh; công tác tuyên truyền, triển khai cơ bản thực hiện tốt từ cấp tỉnh đến địa phương; có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện; hoạt động kêu gọi doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tích cực triển khai; hàng năm thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nhờ đó, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị định 98, 04 năm thực hiện Nghị quyết 143, các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xác lập với sự tham gia của 106 doanh nghiệp, 63 hợp tác xã và hơn 14.000 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết, trên quy mô hơn 36 nghìn ha đất trồng trọt, 1,3 triệu con heo, hơn 8 triệu con gà; trong số đó có 22 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ thực hiện theo Nghị định 98 và Nghị quyết 143.
Toàn tỉnh có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xác lập, góp phần quan trọng trong tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Các chuỗi liên kết hình thành đã góp phần quan trọng trong tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và các chủ thể tham gia liên kết; đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid 19 càng thể hiện rõ vai trò cực kỳ quan trọng của việc liên kết. Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã gắn liền với hiệu quả của chuỗi giá trị.
Đồng Nai là địa phương có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và vị trí thuận lợi để phát triển các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian qua, cơ cấu các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh chuyển dịch nhanh theo hướng hiệu quả bền vững. Trong đó chủ yếu chuyển các cây công nghiệp lâu năm như: tiêu, điều, cao su sang các loại cây ăn quả như: bưởi, sầu riêng, chuối, mít,…. Hiện Đồng Nai có một số loại cây ăn quả có quy mô, năng suất thuộc nhóm đầu cả nước như: chuối (hơn 14 nghìn ha, đứng đầu cả nước); xoài hơn 12 nghìn ha, đứng thứ 2 nước (sau Sơn La); bưởi 10,6 nghìn ha, đứng thứ 2 cả nước (sau Bến Tre); sầu riêng gần 11,4 nghìn ha đứng thứ 4 cả nước….
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất trồng trọt nói riêng và cây ăn quả nói chung, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, xác định được 98 vùng sản xuất tập trung với quy mô gần 19 nghìn ha, 8 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 6,5 nghìn ha tại huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Nhơn Trạch và 10 khu vực trên địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ với quy mô 21,4 nghìn ha đủ điều kiện phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển các hình thức sản xuất, hình thành các liên kết ngang - dọc: lĩnh vực trồng trọt đến nay đã hình thành 144 chuỗi liên kết với quy mô hơn 13 nghìn ha, trong đó có 88 chuỗi cây ăn quả; 249 trang trại.
Về thúc đẩy hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương và các ngành, địa phương kịp thời thông tin về các doanh nghiệp, HTX, người dân về tình hình diễn biến thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các HTX, trang trại tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Tại huyện Trảng Bom, địa phương này tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới các hình thức sản xuất theo hướng sản xuất sạch, quy mô lớn, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có sự liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 2 dự án liên kết cánh đồng lớn và 45 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp (28 chuỗi trồng trọt, 4 chuỗi chăn nuôi, 13 chuỗi sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm thực hiện. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.
Huyện tập trung chỉ đạo hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao, HTX hoạt động hiệu quả. Trong nửa nhiệm kỳ, đã xây dựng mới 10 HTX (nghị quyết là thành lập mới 1-2 HTX/năm), nâng tổng số trên địa bàn huyện có 56 HTX. Tập trung triển khai thực hiện OCOP; trong nửa nhiệm kỳ qua, huyện đã có 13 sản phẩm OCOP, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra...
UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, huyện có 42.740 ha đất nông nghiệp, chiếm 91,3% diện tích tự nhiên, trong đó quy hoạch 19 vùng chuyên canh, diện tích 5.552ha ở các xã Xuân Đông, Xuân Tây, Lâm San, Xuân Mỹ. Huyện tập trung xây dựng cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất, tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại vùng nguyên liệu đã hình thành.
Các sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương qua quá trình liên kết tạo thuận lợi trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai nhận định kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh: quy mô liên kết chưa lớn so với quy mô sản xuất toàn tỉnh; tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp được tiêu thụ qua hình thức hợp tác, liên kết còn thấp; tính bền vững của các chuỗi còn hạn chế, thời gian hợp đồng ngắn; số lượng dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ còn ít; còn có một số địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong triển khai thực hiện liên kết còn nhiều khó khăn, vướng mắc về: vốn, năng lực của các bên tham gia chuỗi, tập quán canh tác của nông dân, cơ chế chính sách còn có những hạn chế, bất cập,…
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết phải đạt tối thiểu 50% giá trị sản lượng sản phẩm toàn ngành. Để tổ chức triển khai hiệu quả hơn các chuỗi liên kết, thời gian tới Đồng Nai sẽ tập trung các giải pháp về công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của quản lý Nhà nước trong tháo gỡ, xử lý những trường hợp không tuân thủ cam kết trong chuỗi liên kết; hướng dẫn, định hướng hỗ trợ người dân trong sản xuất gắn với thị trường, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung và quan tâm xúc tiến thương mại cho sản phẩm liên kết…
Với các giải pháp xây dựng thành công trước khi nhân rộng, mô hình chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai đã tạo sức lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ cùng tham gia mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hợp đồng ổn định lâu dài.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2018 đến đầu năm nay cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp.
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định có 7 loại hình liên kết chuỗi theo các công đoạn từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch đến sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, các hình thức tổ chức liên kết chuỗi rất đa dạng, được hình thành dựa trên nhu cầu cụ thể của từng khu vực, từng ngành hàng hoặc từng nhóm chủ thể.
Theo thống kê của các tỉnh, thành phố, hiện có 815 chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; có 770 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với 361 hợp tác xã nông nghiệp tham gia; có 367 chuỗi liên kết chế biến gắn tiêu thụ sản phẩm với 208 hợp tác xã tham gia... Cũng theo Bộ NN&PTNT, triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết. Có 28/63 tỉnh, thành phố phê duyệt 579 dự án liên kết và 16/63 tỉnh, thành phố phê duyệt 354 kế hoạch hỗ trợ liên kết. Tổng kinh phí các dự án liên kết được duyệt là 1.921 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 767 tỷ đồng; còn lại là kinh phí do các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đối ứng.
Minh Hải
Bình luận