Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ ba, 16/04/2024 15:04
TMO - Tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao và hoạt động khuyến nông; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng.
Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khảo nghiệm, lựa chọn các dòng thuần kết hợp với kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra các giống cây có chất lượng, năng suất cao, có khả năng thích ứng với điều kiện đất đai, sinh thái trên địa bàn tỉnh nhằm thay thế các giống truyền thống năng suất, chất lượng thấp; cải tạo và phát triển giống vật nuôi, phát triển nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản; xây dựng liên kết bốn nhà và phát triển các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nông dân áp dụng vào sản xuất như: Ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho cây trồng theo công nghệ Israel; chăn nuôi lợn, gà áp dụng công nghệ nuôi chuồng kín; ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ nhân giống từ nhân tách tế bào mô...
Nhờ đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, năm 2023, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng tăng 5,3% so với năm 2022, đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước. Trong đó năng suất lúa tăng 11,7%; ngô tăng 3,7%, rau các loại tăng 16%.
Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi. Trong năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,8%/năm, trứng gia cầm tăng 9,5%/năm, sản lượng sữa bò tươi tăng 8,3%/năm. Năm 2023 toàn tỉnh có trên 90% hộ chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số; gần 13% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử;...
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra các giống cây có chất lượng, năng suất cao, có khả năng thích ứng với điều kiện đất đai, sinh thái của tỉnh.
Để mở ra cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung đào tạo kỹ năng, thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân; trước mắt là xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp tăng năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số. Qua đó, hình thành những nông dân chuyên nghiệp, trực tiếp sản xuất, làm chủ công nghệ trên cánh đồng.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường chuyển đổi số. Cụ thể, nhằm hỗ trợ đưa một số sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử; triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 6 danh mục, dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số và đã được HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương với tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng.
Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai gồm: Xây dựng hệ thống giám sát rừng phục vụ chuyển đổi số trong lâm nghiệp; thông tin, tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất rau, quả là sản phẩm chủ lực phục vụ tham quan, học tập, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm cho người dân và doanh nghiệp; triển khai số hóa bản đồ cấp nước tại các công trình cấp nước; mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh...Thông qua các nhiệm vụ trên, sẽ góp phần đưa số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh đạt 18%; duy trì 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử...
Với các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính; tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp đạt trung bình 2,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5 - 6%/năm.
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh. Tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, chú trọng đầu tư công nghệ sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng cho vùng, địa phương. Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Hoàng Lan
Bình luận