Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ ba, 11/06/2024 14:06
TMO - Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, thực hiện phân vùng để triển khai hiệu quả công tác này.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.592,69 tấn/ngày (tương đương 581.334,4 tấn/năm). Trong đó, lượng CTRSH tại khu vực đô thị là 551,53 tấn/ngày (tương đương 201.310,1 tấn/năm), tại khu vực nông thôn là 1.041,16 tấn/ngày (tương đương 380.024,3 tấn/năm)
Tổng lượng CTRSH được thu gom khoảng 1.347,05 tấn/ngày đạt 84,58% (trong đó, tại đô thị 536,59 tấn/ngày đạt 97,3%, nông thôn 810,46 tấn/ngày đạt 77,84%). Tại đô thị, công tác thu gom CTRSH đã được được chính quyền địa phương rất quan tâm, các công ty môi trường có đủ tư cách pháp nhân, trang thiết bị và nhân lực. Tại khu vực nông thôn, việc thu gom CTRSH chủ yếu do hợp tác xã tự tổ chức thu gom. Mặt khác, vùng nông thôn do phân bố dân cư khá xa nhau dẫn đến việc thu gom rác chưa triệt để, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, việc thu gom rác thải hầu như chưa thực hiện, rác thải thường được đốt tại gia đình.
Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.592,69 tấn/ngày.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 khu xử lý CTRSH đang hoạt động. Trong đó 11 khu xử lý CTR được xây dựng theo đúng quy hoạch; 01 khu xử lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, sử dụng phương pháp chôn lấp/bán chôn lấp hoặc đốt tự phát. Việc phân loại rác thải tại Nghệ An chưa được triển khai trên diện rộng, mới chỉ triển khai thí điểm, hiện nay chỉ có 3/21 huyện thành thị triển khai trên toàn huyện (Nam Đàn, Diễn Châu, Hưng Nguyên), còn lại đang triển khai tại một số xã của các huyện. Mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 55%.
Trước sự gia tăng của CTRSH, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thời gian tới tỉnh Nghệ An sẽ triển khai phân vùng để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải. Với đặc điểm địa hình và phân bố dân cư đô thị, nông thôn Nghệ An, có thể phân vùng quản lý thu gom và xử lý CTR Nghệ An thành các vùng liên huyện và vùng huyện, cụ thể như sau:
Vùng CTR liên huyện Nghệ An cho công tác thu gom, xử lý CTR (gọi tắt là vùng CTR liên huyện) bao gồm các thành phố, thị xã, huyện khu vực đồng bằng và trung du, núi thấp, có giao thông tương đối thuận lợi, khối lượng CTR phát sinh lớn. Việc lựa chọn vị trí cho dịch vụ xử lý CTR ở vùng này thường khó khăn do đó kết hợp các thành phố, thị xã, huyện có địa bàn gần nhau trong bán kính cho phép thành một vùng sẽ hỗ trợ trong việc lựa chọn địa điểm dễ dàng hơn. Đồng thời với công nghệ đốt hiện đại và thu hồi năng lượng, CTR chính là nhiên liệu cho quá trình vận hành vì vậy để đảm bảo quá trình vận hành nhà máy không bị gián đoạn, cần nhiên liệu đầu vào đảm bảo khối lượng ổn định. Trên cơ sở đó lựa chọn các vùng CTR liên huyện sau:
Vùng CTR liên huyện I: bao gồm Tp Vinh, Tx Cửa Lò, Huyện Nghi Lộc, Huyện Hưng Nguyên huyện Diễn Châu. Lựa chọn Khu liên hợp xử lý CTR Nghi Yên, Nghi Lộc hiện nay tiếp tục là Khu liên hợp xử lý CTR của vùng liên huyện I. Tổng diện tích hiện tại của khu liên hợp là khoảng 52 ha. Diện tích dự kiến cho giai đoạn 2025 -2030 là 23-32 ha. Đủ diện tích cần thiết cho đến năm 2030. Vùng CTR liên huyện II: gồm huyện Thanh Chương, huyện Anh Sơn: Lựa chọn Trung tâm vùng liên huyện II xử lý CTR Hoa Sơn, huyện Anh Sơn. Diện tích dự kiến cho giai đoạn 2025 -2030 là 3,5-4,9 ha.
Vùng CTR liên huyện III: bao gồm Huyện Quỳ Hợp, Thị xã Thái Hòa. Hiện nay thị xã Thái Hoà có Khu Xử lý chất thải rắn tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa diện tích 19,48 ha, công suất 60 tấn/ngày công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Phục vụ thị xã Thái Hoà. Khu xử lý CTR huyện Quỳ Hợp tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, diện tích 6,5 ha, đốt lộ thiên, công suất 30 tấn ngày, đang phục vụ thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận. Diện tích cần thiết tối thiểu cho giai đoạn đến 2030 của vùng này là 2,26 - 3,08 ha. Lựa chọn vị trí xây dựng Khu Liên hợp xử lý CTR Vùng III tại xã Nghĩa Hoà, thị xã Thái Hoà có diện tích 19,48 ha. Đáp ứng được yêu cầu về diện tích.
Địa phương này thực hiện phân vùng để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương.
Ngoài ra, vùng huyện là vùng phục vụ của dịch vụ thu gom xử lý CTR chỉ trong phạm vi của một huyện. Các huyện miền núi Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn. Khoảng cách từ trung tâm huyện đến các xã có bán kính 30-50 km, do đó riêng các huyện miền núi được bố trí dịch vụ theo vùng huyện. Đối với các vùng huyện, kiến nghị sử dụng công nghệ đốt hiện đại ngay từ giai đoạn đến 2025 do các huyện đều nằm ở đầu nguồn nước, đầu các con sông lớn của Nghệ An như sông Cả, sông Hiếu. Bao gồm vùng huyện Quế Phòng, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành và thị xã Hoàng Mai.
Tỉnh Nghệ An xác định, quản lý chất thải rắn được thực hiện liên vùng, liên ngành; đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và gắn với các quy hoạch của tỉnh. Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị đạt 99%; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn đạt 90%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 95%.
Ngọc Ánh
Bình luận