Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/07/2025 15:07
Thứ bảy, 19/07/2025 05:07
TMO – Trước tình hình dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, TP. HCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm siết chặt quản lý sự cố môi trường, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Thành phố đặt mục tiêu giảm thiểu rủi ro, bảo vệ an toàn cho cộng đồng và môi trường sống của người dân.
Hàng năm, trong cao điểm mưa bão, TP. HCM lại đối diện với nguy cơ phát sinh hàng loạt sự cố môi trường, từ ngập úng cục bộ, tràn bùn thải công nghiệp đến rác thải bị cuốn trôi xuống kênh rạch, gây tắc nghẽn và ô nhiễm nguồn nước. Trước thực trạng này, thành phố đã yêu cầu các quận, huyện và đơn vị chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất có nguy cơ phát tán chất thải ra môi trường khi mưa lớn xảy ra.
Đồng thời, các điểm trung chuyển rác, trạm xử lý nước thải và hệ thống cống rãnh được yêu cầu vận hành đúng quy trình, tránh để tình trạng quá tải gây ảnh hưởng đến khu dân cư lân cận. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cảnh báo sớm và theo dõi diễn biến thời tiết, kết hợp cùng lực lượng ứng trực tại chỗ để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh.
Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, đồng thời duy trì trạng thái chủ động, an toàn trong suốt mùa mưa bão năm nay. Để triển khai hiệu quả, UBND TP. HCM vừa ban hành văn bản số 280/UBND-ĐT ngày 16/7 về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường mùa mưa bão 2025.
Theo chỉ đạo của UBND TP. HCM, các cơ quan, đơn vị liên quan phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030, đồng thời chủ động theo dõi, chỉ đạo xử lý khi xảy ra sự cố môi trường. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải kịp thời báo cáo để được chỉ đạo xử lý.
Sở Công thương có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất, xăng dầu. Cụ thể, hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó sự cố hóa chất, kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, xử lý thoát nước nội bộ để giảm thiểu nguy cơ lan tỏa chất thải khi ngập úng.
TP. HCM ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường mùa mưa bão.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì kiểm tra, đánh giá các sự cố môi trường, lập danh mục sự cố môi trường năm 2025 và đề xuất phương án xử lý. Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ tăng cường kiểm tra việc kiểm soát mùi hôi, nước thải, nước rỉ rác và chất thải rắn tại các cơ sở xử lý, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi. Chủ động cung cấp thông tin đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về các vấn đề môi trường liên quan đến các đơn vị xử lý chất thải, nước rỉ rác. Phối hợp với các đơn vị địa phương, nắm bắt tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; phổ biến các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
Sở Xây dựng được giao chủ trì kiểm tra, giám sát các công trình thoát nước, kênh rạch và đê bao. Đơn vị này sẽ phối hợp xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm bờ kênh, bờ sông, gây cản trở dòng chảy và nguy cơ ngập úng. Đồng thời, chủ động hỗ trợ khắc phục khi xảy ra sạt lở hoặc vỡ đê.
UBND các phường, xã, đặc khu có khu vực nguy cơ xảy ra sự cố môi trường chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục thông báo cho người dân sống trên địa bàn. Đặc biệt, là tại các khu vực có phản ánh thông tin về mùi hôi trong những năm gần đây biết về quy trình tiếp nhận thông tin phản ánh mùi hôi. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao thành phố được yêu cầu tăng cường kiểm tra các công trình bảo vệ khu vực hóa chất, hệ thống phòng cháy chữa cháy và xử lý nước thải. Thường xuyên duy tu hệ thống thoát nước nội bộ, hạn chế ngập úng cục bộ gây phát tán chất thải.
Các Sở, ban, ngành được yêu cầu tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo trong cao điểm mưa bão.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, sản xuất có công trình xử lý nước thải và chất thải phải tổ chức diễn tập, đào tạo nhân lực sẵn sàng ứng phó sự cố; chủ động rà soát các vị trí có nguy cơ phát sinh sự cố do biến động thời tiết. Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải nghiêm túc kiểm soát mùi hôi, triển khai các biện pháp khẩn cấp khi thời tiết chuyển biến xấu.
Ngoài ra, các hồ chứa nước thải và nước rỉ rác cần được gia cố, nạo vét, nâng cấp nhằm tránh nguy cơ tràn bờ. Trường hợp mưa lớn kéo dài, các đơn vị phải chủ động giảm mực nước trong hồ và kiểm tra lại các khu vực có nguy cơ mất an toàn, không để chất thải ô nhiễm tràn ra môi trường. Các địa phương được yêu cầu sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý nhanh chóng các sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời thực hiện tốt công tác thống kê, đánh giá thiệt hại, đề xuất các giải pháp phục hồi sản xuất và đời sống nhân dân.
Việc tăng cường quản lý môi trường trong mùa mưa bão không chỉ là biện pháp ứng phó tình huống tức thời, mà còn thể hiện quyết tâm lâu dài của TP.HCM trong việc bảo vệ chất lượng sống đô thị. Mỗi trận mưa lớn đều tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nếu thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu gom, xử lý rác thải đến vận hành hạ tầng thoát nước.
Vì vậy, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và người dân là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu rủi ro môi trường trong điều kiện thời tiết cực đoan. Không chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả, thành phố đang chuyển hướng sang phòng ngừa từ gốc, thông qua rà soát các điểm có nguy cơ cao, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Đây là hướng đi cần thiết, góp phần xây dựng một đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững về môi trường. Việc triển khai hiệu quả, ứng phó kịp thời sẽ góp phần giúp TP.HCM giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Quỳnh Anh
Bình luận