Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/07/2025 08:07
Thứ hai, 14/07/2025 06:07
TMO - Nhằm giảm thiểu rủi ro do mưa lũ gây ra trong mùa mưa năm 2025, thành phố Huế đã hoàn tất công tác nạo vét sông Rào Cùng. Đây cũng là một hạng mục thủy lợi trọng điểm. Việc khơi thông dòng chảy góp phần đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai của địa phương.
Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng trong chiến lược phòng chống lũ lụt của thành phố. Sông Rào Cùng (thuộc 2 xã Quảng Điền, Đan Điền) có vai trò điều tiết nước cho khu vực rộng lớn ở vùng hạ du, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề khi mưa lũ xảy ra.
Quá trình nạo vét được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, tập trung xử lý các đoạn bồi lắng nghiêm trọng, mở rộng dòng chảy và gia cố bờ sông. Nhờ đó, khả năng thoát lũ được cải thiện rõ rệt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ và sạt lở bờ sông trong mùa mưa.
Bên cạnh yếu tố phòng chống thiên tai, công trình còn tạo điều kiện thuận lợi cho tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và cải thiện môi trường sinh thái cho các khu dân cư ven sông. Lãnh đạo thành phố Huế xác định đây là hạng mục trọng điểm, không chỉ mang tính trước mắt mà còn phục vụ mục tiêu lâu dài trong phát triển bền vững vùng đô thị – nông thôn.
Công trình hoàn thành đúng thời điểm mùa mưa đang cận kề, góp phần củng cố thế chủ động cho chính quyền và người dân trong ứng phó với thời tiết cực đoan. Công trình nạo vét, nâng cấp sông Rào Cùng được triển khai từ tháng 7/2024, với tổng mức đầu tư hơn 44,7 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền (cũ) làm chủ đầu tư.
Phạm vi đầu tư bao gồm: Nạo vét lòng sông, gia cố hai mái kè, xây dựng hệ thống cống hộp, cống tròn tại các điểm giao cắt với đường dân sinh và nâng cấp các điểm sạt lở trọng yếu. Hiện nay các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, các máy móc, thiết bị nạo vét, ép cọc, đổ bê tông được huy động tối đa. Đội ngũ công nhân chia ca làm việc liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục trọng yếu.
Dự án nạo vét sông Rào Cùng góp phần hạn chế ngập úng cục bộ khi mưa lũ xảy ra. (Ảnh: BDT).
Cuối tháng 6/2025, tuyến sông đã được nạo vét, khơi thông trên chiều dài 1.204m; khối lượng gia cố hai mái kè sông đã hoàn thành 2.000m. Hệ thống cống ngang tuyến, tiêu thoát nước cũng đã được lắp đặt, kết nối đồng bộ. Tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt xấp xỉ 80% theo hợp đồng tổng thầu. Một trong những điểm xung yếu trên sông Rào Cùng là đoạn thượng lưu cầu Tân Xuân Lai, nơi bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa lớn cuối năm 2024 cũng đã được khắc phục bằng việc xây dựng kè mái ta luy rọ đá kết hợp tường chắn bê tông cốt thép, đảm bảo an toàn bờ sông và đi lại của người dân.
Dự kiến, việc gia cố, nạo vét sông Rào Cùng sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào vận hành cuối tháng 8/2025, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tiêu úng, thoát lũ cho khu vực. Đây là quyết tâm của chủ đầu tư và đơn vị thi công sau thời gian bị gián đoạn bởi thời tiết bất lợi trong các tháng đầu năm. Theo các chuyên gia thủy lợi, vào mùa mưa, dòng Rào Cùng góp phần giảm áp lực dòng chính sông Bồ, ngăn chặn tình trạng nước dâng tràn vào khu dân cư.
Ngược lại, vào mùa khô, tuyến sông này có vai trò giữ và cung cấp nước cho hệ thống mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài giá trị phòng, chống thiên tai, công trình nạo vét sông Rào Cùng còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường bộ, đường thủy, phục vụ sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống dân cư vùng hạ lưu. Đồng thời, góp phần vào mục tiêu tổng thể “xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nông thôn”.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, đơn vị xác định đây là công trình cấp thiết, mang ý nghĩa chiến lược chứ không đơn thuần là xử lý tình thế. Vì vậy, công tác thi công, giám sát được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, tiến độ và an toàn lao động. Toàn bộ dự án phải hoàn thành trong tháng 8/2025, đưa vào vận hành trước mùa lũ chính vụ.
Nhờ sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương, các đơn vị chuyên môn, thi công và người dân, công trình nạo vét, gia cố sông Rào Cùng được kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ, bàn giao và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất; sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tiêu úng, thoát lũ trong mùa mưa bão sắp tới. Về lâu dài, đây sẽ là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông đồng bộ vùng hạ du sông Bồ.
Việc hoàn thành nạo vét sông Rào Cùng trước mùa mưa lũ thể hiện sự chủ động và quyết liệt của thành phố Huế trong công tác phòng chống thiên tai. Không chỉ đơn thuần là một hạng mục thủy lợi, đây còn là công trình mang ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp.
Động thái này cho thấy địa phương luôn ưu tiên đầu tư vào các công trình phòng lũ sớm, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Kết quả của công trình không chỉ nằm ở dòng chảy được khơi thông mà còn thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, đơn vị thi công và người dân địa phương.
Cùng với việc đẩy mạnh nạo vét, khơi thông dòng chảy ứng phó mưa lũ, UBND TP Huế còn ban hành Kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống thiên tai, lụt, bão năm 2025.
Thành phố Huế kêu gọi người dân cũng như các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm để ứng phó cao điểm mưa lũ năm 2025. (Ảnh: BDT).
Tại Kế hoạch nêu rõ, UBND thành phố đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai, lụt, bão; cam kết dự trữ hàng hóa, vật tư thiết yếu, đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ và kịp thời phục vụ công tác cứu trợ thiên tai với khối lượng tối thiểu: 10.000 kg gạo (2.000 bao); 2.000 thùng mì ăn liền; 1.000 đơn vị thực phẩm khô; 50.000 chai nước uống đóng chai. TP Huế khuyến khích, vận động các siêu thị và doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ động cân đối nguồn lực tài chính, tình hình thực tế và năng lực tổ chức để dự trữ hàng hóa ở mức tối đa có thể.
Đối với mua hàng phục vụ công tác cứu trợ cấp thiết, trong trường hợp cấp thiết, Sở Công Thương chủ động tham mưu Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố ban hành lệnh huy động hàng hóa.
Đối với nhiên liệu (xăng, dầu diesel), các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu chủ động chuẩn bị nguồn dự trữ, đảm bảo cung ứng ổn định, liên tục khi có dự báo thiên tai, lụt bão và trong suốt mùa mưa bão; các mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Thời gian dự trữ bắt đầu từ ngày 1/9/2025 đến ngày 31/1/2026.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đây sẽ là nền tảng quan trọng để hình thành một hệ thống phòng chống lũ chủ động, hiệu quả, góp phần bảo vệ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố Huế trong mùa mưa lũ 2025 cũng như trong dài hạn.
Chí Công
Bình luận