Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 14:07
Thứ sáu, 18/07/2025 06:07
TMO - Kiểm soát ô nhiễm không khí đang được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sống đô thị. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong thời gian tới.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường cấp bách tại các đô thị lớn, Hà Nội xác định kiểm soát chất lượng không khí là một trong những ưu tiên trọng tâm. Các chỉ số bụi mịn PM2.5, khí thải từ phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng luôn nằm trong nhóm nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân.
Trước thực trạng đó, thành phố đã chủ động triển khai hệ thống quan trắc không khí tự động, mở rộng diện tích cây xanh, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông sạch và siết chặt hoạt động xây dựng, đốt rác tự phát. Việc quản lý chặt chẽ các nguồn phát thải từ công nghiệp, giao thông và sinh hoạt cũng được đặc biệt quan tâm trong các quy hoạch phát triển đô thị.
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, Hà Nội kêu gọi sự chung tay của người dân trong việc sử dụng phương tiện công cộng, tiết giảm hoạt động gây ô nhiễm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Kiểm soát ô nhiễm không khí không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là nền tảng cho mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Cùng với đó, thành phố cũng ban hành nhiều văn bản, chính sách để hiện thực hoá mục tiêu trên. Gần đây nhất, Thành uỷ Hà Nội vừa công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 - 2030, để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự thảo báo cáo tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020 – 2025) và thành tựu, tiềm năng, vị thế, uy tín của Thủ đô sau 40 năm đổi mới;
Bên cạnh đó, trình bày quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới (2025 - 2030). Dự thảo báo cáo đánh giá, qua gần 40 năm đổi mới (1986-2025), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã tạo nên những bước chuyển mình lịch sử, đưa Thủ đô từ một thành phố mang dấu vết chiến tranh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học hiện đại, văn minh, khẳng định vị thế đầu tàu quốc gia.
Hà Nội đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, tiến tới mục tiêu đô thị trong lành, đáng sống.
Với nhận thức sâu sắc về đường lối đổi mới của Đảng, Hà Nội đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, đạt thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, thể hiện tính ưu việt của con đường cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Theo dự thảo báo cáo, Thành uỷ Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt, dự thảo cho thấy, thành phố phát triển dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; Kinh tế số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại";
Hướng tới trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực, góp phần quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố phát triển bứt phá với tầm nhìn mới, khát vọng mới, tư duy toàn cầu; xây dựng Thủ đô bản sắc, hiện đại và hội nhập, có nền công nghiệp hiện đại, làm chủ một số công nghệ nền, công nghệ nguồn; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, khá giả, với GRDP/người đạt trên 36.000USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; chỉ số đổi mới sáng tạo nằm trong top 100 thành phố hàng đầu thế giới.
Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thành phố Hà Nội xác định 5 lĩnh vực ưu tiên cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó có lĩnh vực giao thông, hướng tới tăng cường kết nối vùng, kết nối giao thông với các tỉnh, tạo mạng lưới phát triển kinh tế cho vùng Thủ đô, tạo hành lang thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... ; phát triển hệ thống giao thông kết nối nhanh, lan toả từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Thành phố ưu tiên tập trung xử lý các con sông nội đô gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: DS).
Thành phố cũng ưu tiên tập trung thực hiện việc bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu. "Xử lý môi trường các con sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét), lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; xử lý rác thải (xây dựng khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Núi Thoong và Châu Can với công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch; xử lý nước thải (xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, Sơn Tây, Yên Sở,...) nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh trên địa bàn", dự thảo báo cáo nêu.
Theo đó, thành phố xác định có giải pháp căn cơ để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, thoát nước, chống úng ngập, xử lý chất thải. Thành phố cũng ưu tiên đầu tư thực hiện vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải do hoạt động của con người gây ra, xây dựng Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Xây dựng các công viên mới với tỷ lệ bê tông hóa ít nhất, phát triển các mô hình xanh, "rừng trong phố".
Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực đề di dời các công trình ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô theo quy hoạch được duyệt để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. Đồng thời, tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hiệu quả. Ưu tiên bảo vệ môi trường, quy hoạch diện tích cây xanh, mặt nước, cải thiện chất lượng không khí. Phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm (theo số liệu các trạm quan trắc chuẩn của quốc gia và thành phố) có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình.
Xây dựng hành lang, nêm xanh theo quy hoạch, giảm phát thải khí nhà kính, tham gia thị trường carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Xác định giảm thiểu, hạn chế ô nhiễm không khí là vấn đề trọng tâm thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường sống cho người dân thủ đô.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, bên cạnh các chính sách và giải pháp kỹ thuật, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Mỗi người dân cần ý thức rõ vai trò của mình trong việc giảm phát thải, từ lựa chọn phương tiện di chuyển đến thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Đồng thời, việc đầu tư cho công nghệ sạch, nâng cao năng lực quan trắc và dự báo chất lượng không khí cần được đẩy mạnh hơn nữa. Không khí sạch không chỉ là yếu tố bảo đảm sức khỏe cộng đồng mà còn là điều kiện thiết yếu để nâng cao chất lượng đô thị và thu hút đầu tư, du lịch. Hà Nội đang đi đúng hướng, do đó cần có sự kiên trì, nhất quán và đồng thuận cao trong toàn xã hội để đạt được mục tiêu xây dựng một thành phố có môi trường sống trong lành, an toàn, xanh sạch.
Thuỳ Liên
Bình luận