Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ ba, 11/10/2022 08:10
TMO - Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản. Trong đó, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị được đánh giá là một trong những giải pháp tạo thuận lợi để nông sản nước ta tiến sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng hàng hoá, nông sản.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, việc Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do trong đó, nổi bật nhất là các FTAs thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... đã tạo cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá, nông sản.
Một số sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam được người tiêu dùng EU ưa chuộng như xoài, dứa, thanh long. Cùng với đó là một số rau quả chế biến thành nước ép, hoa quả sấy. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ưu đãi về thuế trong đó xoá bỏ hoặc cắt giảm thuế quan theo một lộ trình cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần hàng hoá xuất khẩu.
Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nông sản tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Việt Quốc
Mặc dù các hiệp định FTAs thế hệ mới mang lại rất nhiều cơ hội cho ngành nông sản ở Việt Nam, tuy nhiên để tận dụng cơ hội này các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã nông nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu vào cùng thị trường của các quốc gia khác.
Do vậy, để nâng cao chất lượng nông sản và vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, đồng thời giữ được thị phần trong nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản phải đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoàn thiện hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao.
Thông tin về liên kết chuỗi trong ngành nông nghiệp hiện nay, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước hiện có khoảng 18.760 hợp tác xã nông nghiệp, 81 liên hiệp hợp tác xã, với tổng số khoảng 3,23 triệu thành viên.
Trong đó, có 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%. Có 4 chủ thể tham gia các chuỗi liên kết-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 hợp tác xã nông nghiệp và 1.867 doanh nghiệp. Các hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng, liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín hoặc liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông hộ; liên kết ngang giữa doanh nghiệp.
Trong chuỗi liên kết, nông dân, trang trại, doanh nghiệp liên kết từ đầu vào đến tiêu thụ
Nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản, tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu từ các FTAs, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần cải thiện mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, liên kết vùng phải thực sự bền vững cho cả hai chủ thể trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Việc liên kết chuỗi chỉ thật sự hiệu quả khi hai bên cam kết chia sẻ lợi ích, cùng hợp tác để tăng giá trị nông sản. Thay đổi nhận thức của người dân về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Người dân phải tự nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong vấn đề liên kết.
Nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị tham gia chuỗi phải đổi mới quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ như mã vạch, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý... để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc một cách chi tiết nhất, tạo uy tín củng cố thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường. Giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm là giữ ổn định, bền vững về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết sản xuất-tiêu thụ, tham gia chuỗi logistics.
Trong đó, nông dân, trang trại và doanh nghiệp phải liên kết từ đầu vào gồm giống, phân bón, máy móc cơ giới; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu; liên kết tiêu thụ qua thu gom tập trung; liên kết chế biến từ sơ chế, bảo quản, đóng gói, chế biến tinh và chế biến sâu; cuối cùng là liên kết tiêu dùng ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thu Hoài
Bình luận