Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/07/2025 23:07
Chủ nhật, 13/07/2025 13:07
TMO - Sau 6 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La, đồng thời góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Với lợi thế tại các vùng nguyên liệu ở các địa phương đến nay tỉnh Sơn La có 214 sản phẩm OCOP. Những năm qua, để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm đặc sản, chủ lực có giá trị kinh tế cao, gắn với thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tăng thu nhập cho người nông dân.
Tại xã Phiêng Khoài, sản phẩm mận Ruby của HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu áp dụng trình sản xuất VietGAP, hữu cơ từ năm 2019. Đến nay, sản phẩm nhận được sự đánh giá cao về chất lượng của các đối tác và khách hàng. HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2023, sản phẩm mận được công nhận đạt OCOP 4 sao.
Hiện nay, HTX có 30,5 ha mận được cấp mã số vùng trồng, trong đó, 12 ha đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Chứng nhận sản phẩm OCOP không chỉ là danh hiệu cho chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ phát triển mận hậu, HTX Noọng Piêu còn liên kết với HTX Tây Bắc để nghiên cứu sản phẩm mới là miến tỏi đen kết hợp giữa nghề làm miến truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tái định cư từ Quỳnh Nhai và tỏi đen đặc sản của xã Viêng Lán. Sản phẩm được chế biến từ 80% bột dong đỏ trồng tại Phiêng Khoài và 20% tỏi đen, đang trong quá trình hoàn thiện để phát triển thành sản phẩm OCOP tiềm năng.
Với vùng nguyên liệu đặc trưng của từng loại nông sản, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP.
Còn theo đại diện Hợp tác xã trồng cây ăn Nghĩa Hưng tại xã Mường Cơi: Năm 2020, quả quýt ngọt của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX có 10 ha cây quýt ngọt, sản lượng đạt 80 tấn quả/vụ, chưa đủ để cung cấp cho các bạn hàng truyền thống. HTX đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng quýt ngọt theo hướng sản xuất hữu cơ, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị của quả quýt ngọt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh.
Thời gian qua, với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đặc trưng vùng, các địa phương rà soát các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tiềm năng của các xã, thị trấn; tư vấn, hướng dẫn các HTX, hộ gia đình thực hiện các thủ tục hồ sơ tham gia chương trình OCOP theo quy định.
Tỉnh Sơn La đã hỗ trợ xây dựng 12 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các địa phương và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra phạm vi ngoài tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng tại các tỉnh, thành phố, tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp. Qua đó, nhiều sản phẩm được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết các hợp đồng tiêu thụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm OCOP của Sơn La vẫn đối mặt không ít thách thức: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, khó mở rộng đơn hàng lớn, thiếu liên kết chuỗi và năng lực cạnh tranh chưa cao. Theo đánh giá của ngành chức năng, phần lớn sản phẩm OCOP hiện nay vẫn tập trung ở nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu; chủ yếu do các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai. Dù nhiều sản phẩm đã được công nhận từ 3 đến 4 sao, song tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn quốc gia (5 sao) vẫn còn khiêm tốn.
Trước thực trạng trên, tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu ổn định, đạt chuẩn. Cùng với đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu cần gắn với quy hoạch và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các địa phương cần chủ động hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, hướng đến đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn tương đương phục vụ xuất khẩu. đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến và bảo quản sau thu hoạch cũng cần được ưu tiên.
Việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi, kết nối chuyển giao công nghệ, đồng hành cùng các chủ thể trong khâu thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sự chuyên nghiệp trong cách làm OCOP. Sơn La cần tiếp tục chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.../.
Thùy Trang
Bình luận