Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ năm, 10/07/2025 15:07
TMO - Để đảm bảo chất lượng, khẳng định thương hiệu nông sản, tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành địa phương nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tỉnh Gia Lai đã phát huy tiềm năng, lợi thế khi có 995 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, các sản phẩm OCOP trên địa bàn đang ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Các chủ thể đã chú trọng đầu tư sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã để tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng nông thôn theo hướng bền vững. Nhiều hộ dân trong tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh đầu tư, liên kết, ứng dụng khoa học-kỹ thuật để phát triển sản phẩm OCOP.
Tại xã Lơ Pang, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Toàn Diện đã khai thác lợi thế tự nhiên để tạo nên các sản phẩm OCOP đặc trưng. Cụ thể, với 10ha cây đu đủ đực lấy hoa và 5ha mướp đắng rừng đã tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cho các sản phẩm hoa đu đủ đực sấy khô, bông đu đủ ngâm mật ong, mướp đắng rừng sấy khô và măng le khô chuẩn OCOP 3 sao. Để các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, quy trình sản xuất được hợp tác xã kiểm soát nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến công đoạn chế biến, đảm bảo giữ nguyên hương vị, màu sắc và chất lượng sản phẩm.
Tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành địa phương nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Thương hiệu gạo Ba Chăm của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Đăk Trôi (xã Kon Chiêng) cũng là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật, gắn liền với văn hoá của đồng bào Bahnar nơi đây. Được trồng trên các sườn đồi với diện tích hơn 350ha và được chăm sóc tự nhiên trong 9 tháng đã mang lại giá trị chất lượng về dinh dưỡng cho sản phẩm. Hợp tác xã cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn....
Với gần 1000 sản phẩm OCOP trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP. UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, giám sát các cơ sở có sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Trọng tâm là đánh giá việc duy trì tiêu chuẩn chất lượng, hồ sơ minh chứng, nguồn gốc xuất xứ, điều kiện sản xuất, kinh doanh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh: nếu phát hiện các trường hợp sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, vi phạm tiêu chuẩn, gian lận thương mại, giả mạo nhãn hiệu hoặc không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... thì phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, các địa phương cần thường xuyên rà soát lại hồ sơ sản phẩm OCOP trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị thu hồi công nhận đối với những sản phẩm không còn đáp ứng tiêu chuẩn sau khi được xếp hạng.
Cùng với công tác kiểm tra, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP trong việc hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.../.
Thu Quỳnh
Bình luận