Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 15/11/2024 08:11
Thứ tư, 06/11/2024 06:11
TMO - Trong bối cảnh hạn, mặn diễn biến ngày càng gay gắt, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, Quảng Trị đặc biệt chú trọng đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống thiên tai.
Theo nhận định của ngành chức năng, trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và những năm tiếp theo sẽ khốc liệt hơn nhiều. Đi đôi với giải pháp tổng hợp thì các giải pháp công trình không chỉ phát huy năng lực phục vụ tại chỗ mà mang tầm cỡ liên vùng.
Theo đó, hệ thống công trình thủy lợi hoàn chỉnh được xem là cơ sở hạ tầng quan trọng đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là trong thời điểm hạn, mặn diễn biến khó lường như hiện nay.
Quảng Trị là một trong những tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung hằng năm phải chịu tác động và thiệt hại lớn từ bão, lũ lụt, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Hiện nay, Quảng Trị được đầu tư xây dựng được trên 500 công trình thủy lợi lớn nhỏ các loại, bao gồm: 124 hồ chứa (trong đó có 123 hồ chứa thủy lợi và 1 hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện), 221 đập dâng, 243 trạm bơm, 17 cống ngăn mặn và 2.125 km kênh mương các loại.
Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài 181,45 km, với các tuyến: đê biển Vĩnh Thái dài 11,17 km; đê cửa sông dài 57,43 km gồm đê tả Bến Hải, đê hữu Bến Hải, đê tả Thạch Hãn và đê hữu Thạch Hãn; đê bao dài 58,15km gồm đê chống lũ tiểu mãn, lũ sớm huyện Hải Lăng; đê Bến Tám - Huỳnh Thượng thuộc địa phận xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh); đê Hói Cụt thuộc địa phận xã Trung Hải (Gio Linh); đê Hoàng Hà thuộc địa phận xã Gio Việt (Gio Linh); đê Đồng Soi thuộc địa phận xã Gio Mai (Gio Linh); đê Hà Cui thuộc địa phận các xã Triệu Phước, Triệu Trạch(Triệu Phong).
Đê điều, đập ngăn mặn của Quảng Trị luôn được chú trọng cải tạo, nâng cấp. Đơn cử vào tháng 4 năm 2022, đập ngăn mặn sông Hiếu khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình nằm trong danh mục quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012- 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Công trình có nhiệm vụ kiểm soát mặn, ngọt; cấp nước sản xuất cho gần 1.300 ha đất nông nghiệp và gần 200 ha đất nuôi trồng thủy sản.
Đập ngăn mặn sông Hiếu nhìn từ trên cao. (Ảnh minh hoạ: NP).
Đồng thời tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người; kết nối hạ tầng giao thông bộ hai bên bờ sông Hiếu; tạo cảnh quan môi trường đô thị và phát triển du lịch. Tổng mức đầu tư dự án sau khi thực hiện hoàn thành là trên 440 tỉ đồng. Đập ngăn mặn sông Hiếu đã phát huy được tác dụng rõ rệt. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cam Lộ, trước đây khi chưa có đập ngăn mặn, vào những năm hạn khốc liệt, nước mặn xâm nhập lên đến trạm bơm cầu Đuồi nên không tưới được cho các vùng lúa phía dưới. Từ khi có đập ngăn mặn, người dân không lo nỗi lo nhiễm mặn nữa. Các trạm bơm dọc sông hoạt động tốt, đảm bảo cho mùa hạn nước tưới kịp thời.
Đối với một xã vùng biển bãi ngang như Triệu Vân, huyện Triệu Phong thì ảnh hưởng của xâm nhập mặn là rất nặng nề trước tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường. Lãnh đạo UBND xã Triệu Vân cho biết, trước đây khi chưa có đập ngăn mặn, 20 ha/140 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã bị xâm nhập mặn quanh năm nên người dân buộc phải bỏ hoang. Mọi nỗ lực chống xâm nhập mặn của người dân và chính quyền địa phương gần như không đem lại hiệu quả. Nhưng kể từ khi có đập ngăn mặn, mọi chuyện đã thay đổi đầy tích cực.
Cụ thể, năm 2021 dự án đê ngăn mặn đi qua cánh đồng các đội 1, 2 của thôn 9, xã Triệu Vân được xây dựng với tổng mức đầu tư 2,8 tỉ đồng. Đê dài 300m, gồm 3 cống đóng mở có chức năng ngăn mặn và giữ ngọt. Sau khi đập ngăn mặn xây xong và đưa vào sử dụng, 100% diện tích đất sản xuất của Triệu Vân đều được bà con tận dụng trồng lúa, hoa màu. Đặc biệt, diện tích 60 ha lúa của người dân trên địa bàn thôn 9 những năm vừa qua cơ bản đảm bảo.
Cũng nhờ có đập ngăn mặn mà năng suất lúa của bà con nông dân được tăng lên, vụ mùa năm 2023, 2024 vừa qua đạt 46,6 tạ/ha, đê ngăn mặn đã mang lại hiệu quả thiết thực cho phần đất sản xuất nông nghiệp của xã Triệu Vân. Theo Sở NN&PTNT, cơ bản các công trình đê, đập ngăn mặn trên địa bàn đều phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế xã hội cho nhiều địa phương.
Các công trình ngăn mặn đã giúp bà con nông dân ổn định sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ: NP).
Có thể khẳng định, hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp trong những năm vừa qua đã giúp giảm tác động và thiệt hại lớn từ bão, lũ lụt, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, góp phần quan trọng, thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hệ thống đê, đập sau khi xây dựng, nâng cấp đã tạo thành các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu dân sinh, sản xuất, ứng cứu trong mùa lụt bão, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn dọc các tuyến đê, tạo điều kiện thuận lợi cho những xã trên địa bàn tỉnh bổ sung tiêu chí về thủy lợi, giao thông sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn gặp một số tồn tại, bất lợi do ảnh hưởng của hệ thống đê điều bị hư hỏng. Do quá trình khai thác, sử dụng, hệ thống đê điều đã bị xuống cấp, cùng với việc thường xuyên chịu tác động của thiên tai đã làm tình trạng hư hỏng ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của công trình.
Như tại hệ thống đê biển Vĩnh Thái, do nằm sát bờ biển, thân đê đắp bằng cát, mái đê dọc tuyến chưa được kiên cố hóa đồng bộ, dải cây chắn sóng trước đê không có, đồng thời hàng năm chịu tác động trực tiếp của sóng biển nên thường xuyên bị sạt lở chân, sụt lún mái và thân đê. Những vị trí đê chưa được nâng cấp có cao trình thấp, mặt cắt ngang hẹp, mái đê bị sạt trượt, cuốn trôi, sạt lở tại nhiều khu vực dọc tuyến, ảnh hưởng đến an toàn công trình và khả năng ngăn triều, chống bão của đê.
Trong khi đó, hệ thống đê cửa sông trên địa bàn toàn tỉnh chưa được đầu tư khép kín, đặc biệt những đoạn chưa được nâng cấp có cao trình thấp và mặt cắt ngang hẹp chưa đảm bảo khả năng ngăn triều và chống bão. Được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ trung ương và một phần ngân sách địa phương, đến nay tỉnh Quảng Trị đã từng bước khắc phục, xử lý một số sự cố, hư hỏng cấp bách. Tuy nhiên, hiện trạng sạt lở, hư hỏng và nhu cầu về nâng cấp, sửa chữa công trình đê điều là rất lớn.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2019/QĐ-UBND ngày 06/9/2023 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhấn mạnh việc củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông, đê biển và các công trình thủy lợi, thủy điện bảo đảm chủ động phòng, chống lũ, bão theo mức thiết kế và an toàn trước tác động gia tăng do biến đổi khí hậu; ưu tiên bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ, đập, đê sông, đê biển…kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và tối ưu hóa nguồn lực phát triển.
Xuân Lê
Bình luận