Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/07/2025 18:07
Thứ tư, 09/07/2025 06:07
TMO - Cà Mau tập trung vào các chương trình quản lý tài nguyên, nâng cao năng lực cộng đồng và đầu tư hạ tầng chống xâm nhập mặn, sạt lở. Đây là mục tiêu trong bối cảnh vùng ven biển đối mặt ngày càng gay gắt với tác động của thời tiết cực đoan.
Trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đang triển khai loạt giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng thích ứng cho người dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn, xâm nhập mặn được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là mô hình tôm – lúa, tôm – rừng giúp ổn định thu nhập và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai như kè chống sạt lở bờ biển, công trình trữ nước ngọt và hệ thống đê điều ven biển. Các chương trình truyền thông cộng đồng và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững được triển khai đến tận cơ sở, giúp người dân nâng cao nhận thức và chủ động thích nghi.
Ngoài ra, Cà Mau tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để triển khai các dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên, sinh kế và an toàn cho cộng đồng, hướng đến một nền kinh tế xanh tại vùng cực Nam Tổ quốc. Với ba mặt giáp biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc thù, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH).
Một trong những đối tác quan trọng trong quá trình này là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Hiện tại, WWF đang triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau”, thực hiện tại huyện Ngọc Hiển (cũ), với sự tài trợ của Quỹ UBS Optimus Foundation UK. Dự án dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Qua thời gian triển khai, dự án đã góp phần nâng cao sinh kế cho người dân thông qua các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững dưới tán rừng (IMA), áp dụng các biện pháp quản lý tốt hơn (BMP).
Cà Mau là địa phương hứng chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH, đặc biệt là sạt lở, sụt lún. (Ảnh: HN).
Đồng thời tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của BĐKH. Hiệu quả rõ nét này cũng chính là cơ sở để WWF và tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng dự án kế tiếp nhằm đảm bảo tính liên tục và mở rộng quy mô hỗ trợ. Đối mặt với nguy cơ hàng loạt tác động tiêu cực: xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, sạt lở bờ sông và bờ biển, thiên tai, an ninh nguồn nước, Cà Mau xác định ứng phó BĐKH là một trong những nhiệm vụ chiến lược lâu dài.
Tỉnh đang tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng. Trong đó, Cà Mau dự kiến tham gia Chiến dịch “Thành phố Xanh” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng, được xem bước đi chiến lược, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Đây cũng là sáng kiến toàn cầu được triển khai từ năm 2011, hiện đã thu hút hơn 900 thành phố thuộc 70 quốc gia tham gia, nhằm tôn vinh và hỗ trợ các địa phương chủ động trong nỗ lực giảm phát thải và thích ứng BĐKH.
Cà Mau cũng như các địa phương khác khi tham gia chiến dịch sẽ được hỗ trợ hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về chính sách, thông tin liên quan đến thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, BĐKH; được hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật xây dựng bản đồ tổng thể về phát thải khí nhà kính, xác định khả năng hấp thụ các-bon từ các lĩnh vực quan trọng của địa phương. Từ đó đề xuất các giải pháp giảm phát thải phù hợp để đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.
Đại diện Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng, việc tham gia Chiến dịch “Thành phố Xanh” sẽ giúp địa phương tiếp cận các công cụ quản lý môi trường tiên tiến, nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH và thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, cho biết: "Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và đối tác quốc tế như WWF để xây dựng và triển khai các dự án mới về bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, thích ứng với BĐKH. Việc tham gia Chiến dịch “Thành phố Xanh” sẽ giúp tỉnh đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển xanh và bền vững".
Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế uy tín như WWF, cùng quyết tâm của lãnh đạo và Nhân dân tỉnh, Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, vì tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu tại Cà Mau không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, mà còn là chiến lược lâu dài để bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.
Hiện tượng sạt lở, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân Cà Mau. (Ảnh: HN).
Bên cạnh đó, ngay từ năm 2020, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1332/QĐ-UBND.
Mục tiêu của Kế hoạch mang tầm nhìn chiến lược đã được UBND tỉnh xác định tác động của BĐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính;
Đồng thời nâng cao năng lực quản lý, giám sát BĐKH và tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của BĐKH và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế.
Thực tế, những mô hình sản xuất linh hoạt, thích ứng đã chứng minh hiệu quả rõ rệt, vừa giúp người dân ổn định thu nhập, vừa góp phần giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù Cà Mau là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và thiên tai ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trước thực tế đó, tỉnh đã chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp thích ứng mang tính lâu dài, đồng bộ và phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Từ chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, đầu tư hạ tầng ứng phó thiên tai, đến nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường quản lý tài nguyên – tất cả đều hướng đến mục tiêu bảo vệ sinh kế người dân và phát triển kinh tế xanh. Cà Mau cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng nguồn lực từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả các biện pháp ứng phó.
Quỳnh Anh
Bình luận