Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ tư, 09/07/2025 14:07
TMO - Tỉnh Quảng Ngãi xác định, việc đầu tư thực hiện các công trình phòng chống thiên tai là một trong những giải pháp căn cơ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Trong năm 2024, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã tích cực tham mưu, đề xuất tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình chống sạt lở núi, bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 18km. Trước đó, giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã xây dựng và hoàn thành trên 46km công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng kinh phí hơn 2.336 tỷ đồng. Đồng thời, lắp đặt 6 trạm cảnh báo ngập lụt tại các ngầm tràn, 10 trạm đo mực nước tự động và 79 trạm đo mưa tự động, trở thành tỉnh có số trạm đo mưa chuyên dùng lớn nhất cả nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 96 trạm đo mưa tự động, đo mực nước tự động, cảnh báo ngập lụt, ngập sâu. Các trạm đã cập nhật lượng mưa, mực nước liên tục theo thời điểm và thời gian thực thay vì phải mất 6 tiếng như trước đây. Qua đó, giúp chính quyền, người dân vùng có nguy cơ cao nắm bắt kịp thời về lưu lượng nước, tình trạng mưa lớn đang và sắp diễn ra, để chủ động phương án ứng phó phù hợp.
Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên dùng phòng chống thiên tai và triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến 170 đơn vị cấp xã. Qua đó, cung cấp đầy đủ các ứng dụng, như: Bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu 4 sông lớn của tỉnh là sông Vệ, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin diễn biến tình hình thiên tai cũng như tình trạng ngập lụt tại các ngầm, tràn, vùng ngập sâu, điểm sạt lở đất…
Công trình khắc phục khẩn cấp điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng, ở thôn Nước Tang, xã Sơn Hà được triển khai (Ảnh: MH)
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tiến hành khảo sát và lập danh mục các dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất thực hiện 8 dự án khu tái định cư, tổng kinh phí thực hiện trên 192 tỷ đồng, đảm bảo nơi ở an toàn cho 323 hộ dân ở vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và ngập lụt.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, dự báo có khoảng 5- 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2 - 3 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong khi đó, mùa mưa tại Trung Bộ năm nay dự báo sẽ tập trung vào tháng 10 - 11 và nửa đầu tháng 12/2025, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của bão, ATNĐ cuối mùa. Do đó, các địa phương đang tập trung triển khai công tác phòng, chống thiên tai.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó. Trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ, phục hồi sau thiên tai.
Tại Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai mùa mưa bão năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, đặc khu chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư khắc phục dứt điểm những vấn đề còn bất cập trước mùa mưa bão năm 2025, nhất là các sự cố đê điều, hồ đập, hạ tầng viễn thông, điện, tiêu thoát nước và các nguy cơ đã được nhận diện qua cơn bão Yagi năm 2024, bảo đảm thông tin liên lạc, nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai ở địa phương và từ trung ương tới cơ sở trong mọi tình huống, khắc phục tình trạng ngập úng, nhất là tại đô thị khi mưa lớn.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa bão là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai.
Sở Nông nghiệp và Môi trường (Cơ quan Thường trực về phòng, chống thiên tai) tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và người dân biết chủ động triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, xã hội hóa trong công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, bảo đảm thông tin dữ liệu từ trạm quan trắc được kết nối ổn định, liên tục về trung tâm dự báo, phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó sự cố đập, đê điều; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trên biển, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa mưa, bão.
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi hoàn thiện các phương án phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn công trình hồ, đập thuộc phạm vi quản lý. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, sẵn sàng các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó sự cố đập, đê điều; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trên biển, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa mưa, bão.
Sở Xây dựng chỉ đạo cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ đối với các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, nhất là hệ thống tiêu thoát nước trên các tuyến giao thông trọng điểm và tại các đô thị để chủ động tiêu thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng nghiêm trọng tại nhiều đô thị khi mưa lớn; chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông khi có thiên tai, kịp thời khắc phục sự cố sạt lở, chia cắt, không để ách tắc trên các trục giao thông chính.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình đang thi công trên sông, suối, ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, trong các khu dân cư và các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản xung quanh dự án, công trình phải xây dựng Phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn cho người, tài sản, thiết bị và công trình; xác định điểm dừng kỹ thuật và triển khai thu, dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ trước mùa mưa, lũ chính vụ năm 2025.../.
Lê Ngà
Bình luận