Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Chủ nhật, 11/12/2022 05:12
TMO - Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một công cụ đánh giá cần thiết để đo lường, kiểm soát tính bền vững của đô thị giúp các cấp chính quyền đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả nhất trong quá trình quản lý, phát triển đô thị.
Hệ thống thông tin địa lý đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực về quản lý tài nguyên và môi trường. Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, hệ thống này mới có những bước phát triển ban đầu trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây với các nghiên cứu, dự án ứng dụng GIS trong công tác khảo sát đo đạc, quản lý quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, cấp nước...).
Trong những năm qua Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành một số chủ trương, quyết định và văn bản để định hướng, chỉ đạo việc ứng dụng GIS vào công tác quản lý phát triển đô thị. Đặc biệt, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc ứng dụng hệ thống GIS và công nghệ số, nền tảng số trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.
Nhiều địa phương đã ứng dụng GIS trong công tác quản lý đô thị và đạt được một số kết quả đáng chú ý. Cụ thể, GIS được nhiều tỉnh, thành phố ứng dụng để quản lý cơ sở dữ liệu các đồ án quy hoạch xây dựng; quản lý tài sản, thiết bị hạ tầng kỹ thuật: cây xanh, chiếu sáng, cấp nước…; tạo ra các ứng dụng giám sát môi trường, quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đánh giá mức độ sạt lở… và nhiều ứng dụng khác.
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) giữ vai trò quan trọng trong quản lý, quy hoạch phát triển đô thị (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, việc ứng dụng GIS trong công tác quản lý đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính sách, quy định chưa đầy đủ, thống nhất; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và đánh giá hết vai trò và tầm quan trọng của GIS; hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều địa phương chưa sẵn sàng. Để giải quyết thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 1247/BXD-PTĐT ngày 14/04/2022 về việc hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh, tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy chính quyền các đô thị xác định cụ thể hơn vai trò của GIS, từ đó xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển hệ thống GIS phục vụ quản lý phát triển đô thị.
Để quản lý phát triển đô thị bền vững đặc biệt trước yêu cầu phát triển đô thị thông minh hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần thiết phải có những công cụ quản lý kỹ thuật hiện đại, chính xác và có hiệu quả nhằm giúp hỗ trợ chính quyền có thể đưa ra các quyết định chính xác cho sự phát triển bền vững của đô thị. Trong đó, GIS với những thế mạnh như mô hình hóa và phân tích không gian; cải thiện việc lưu trữ và tương tác dữ liệu; tăng cường khả năng truy cập… có thể giúp quản lý phát triển đô thị bền vững một cách “hiệu quả, hiệu lực và minh bạch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, GIS có thể hỗ trợ đưa ra quyết định cho một số nhóm tiêu chí trong quản lý phát triển đô thị bền vững. Trong đó, phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội để hỗ trợ xây dựng các quy hoạch, kế hoạch. Hỗ trợ công tác lập quy hoạch như tổng hợp, phân tích dữ liệu, xây dựng mô hình phân tích không gian để đánh giá nhu cầu sử dụng đất, lựa chọn đất đai xây dựng, đánh giá khả năng phục vụ của hệ thống cơ sở hạ tầng…Kiểm soát tình trạng môi trường và đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, thiết lập giới hạn cho sự phát triển của đô thị thông qua việc giám sát chỉ số phát triển của các kịch bản phát triển: quản lý đô thị hóa, kiểm soát tình hình xây dựng, giám sát thời gian thực tình hình ngập lụt.
Phương Trang
Bình luận