Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 22:07
Thứ sáu, 18/07/2025 20:07
TMO – Động thái của Hà Nội trong thời gian gần đây cho thấy Thủ đô đang quyết liệt triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, đưa thành phố trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp - thân thiện. Việc cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026 và áp dụng mở rộng ra Vành đai 2 từ tháng 1/2028 không chỉ đơn thuần là thay đổi sử dụng phương tiện giao thông xanh mà còn kỳ vọng thay đổi tư duy, nhận thức để từ đó hình thành lối sống xanh ở chính mỗi người dân.
Kinh tế Hà Nội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt trong khoảng 10 năm gần đây. Minh chứng sắc nét cho sự chuyển biến này là tăng trưởng GRDP năm 2024 của Hà Nội đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%), tổng thu ngân sách năm 2024 đạt 511.928 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2025 GRDP Hà Nội đạt 7,63%, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 392.000 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với cùng kỳ 2024, đáng chú ý, phần lớn là thu từ nội địa. Như vậy có thể cho rằng, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu ngân sách trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025.
Tuy nhiên, Hà Nội là đô thị đặc biệt, việc phát triển kinh tế luôn tác động lớn đến hạ tầng giao thông, đô thị, nhất là môi trường, điều này cũng dễ hiểu và không thể tránh khỏi. Minh chứng cho tác động này là Hà Nội đang đối mặt tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, nhiều sông bị ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Có lẽ, cũng không cần phải dẫn số liệu thống kê cụ thể, bởi mức độ ô nhiễm đến đâu và ùn tắc, ngập úng thế nào người dân Thủ đô đều đã biết và rõ hiểu. Chỉ biết rằng, chất lượng môi trường sống, nhất là khu vực nội thành đang suy giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và chính điều này khiến Hà Nội buộc phải ‘mạnh tay’ và quyết liệt để giải quyết bài toán ô nhiễm, từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng bởi đây được xem là những ‘vấn nạn’ dai dẳng suốt hàng chục năm qua.
(Ảnh minh họa)
Năm 2017, HĐND TP. Hà Nội thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhăm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030. Một trong những nội dung đề án nêu rõ: Trong giai đoạn từ 2017-2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận (nay là khu vực nội thành) vào năm 2030.
Ngày 5/5/2022, Trung ương ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung Nghị quyết nêu rõ: “Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.
Luật Thủ đô 2024 cũng quy định việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô tuân theo các nguyên tắc: “Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch” Dựa trên các nguyên tắc trên, nhằm hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, Luật phân quyền cho HĐND TP quy định các chính sách, biện pháp đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Xác định vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong Vùng: Vùng phát thải thấp quy định trong Luật Thủ đô 2024 được hiểu là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. HĐND Thành phố được giao quyền quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp.
Quyết định các biện pháp liên quan đến phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông nhằm hạn chế phát thải: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch. Đáng chú ý, cả hai đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đều xác định bảo vệ môi trường là cấp bách…
Những văn bản pháp lý xuất phát từ thực tiễn trên là cơ sở để Hà Nội xây dựng, triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm giảm ùn tắc, ngập úng, giảm ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng. Tuy nhiên, hiện tại cho thấy sau nhiều nỗ lực kết quả vẫn đưa đạt kỳ vọng, nhất là ô nhiễm môi trường, không khí còn diễn biến phức tạp.
Cần quan tâm và hành động quyết liệt hơn
Trong 2 lần làm việc với Thành ủy Hà Nội (tháng 11/2024 và tháng 6/2025) Tổng Bí thư Tô Lâm đều đề cập và đề nghị Hà Nội cần quan tâm, làm tốt hơn về công tác quy hoạch, giao thông, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường tại các sông và môi trường không khí, bởi theo Tổng Bí thư, đây đều là những vấn đề người dân quan tâm.
Ngày 12/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 20 về ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để chuyển đổi phương tiện. Đáng chú ý, Chỉ thị nêu rõ lộ trình chuyển đổi, cụ thể: đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Quy định về lộ trình trên được nhiều người dân Thủ đô quan tâm và trở thành đề tài ‘nóng’ mang tính thời sự trong nhiều ngày qua. Qua tìm hiểu, đại đa số người dân Thủ đô đồng tình với quy định chuyển đổi phương tiện nhưng cũng băn khoăn về cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi cũng như hạ tầng kỹ thuật. Trước những băn khoăn của người dân, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã và đang xây dựng kế hoạch (cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng mạng lưới phương tiện công cộng…), chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho việc chuyển đổi phương tiện trong khu vực vành đai 1 vào tháng 7/2026 để người dân yên tâm đồng hành.
Trước những động thái quyết liệt từ chính quyền Thủ đô về bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra lộ trình cấm, hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trước mắt trong khu vực vành đai 1, sau đó tiếp tục mở rộng ra vàng đai 2 và 3 không chỉ đơn thuần là giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường (không khí), giảm tình trạng ùn tắc giao thông mà còn được ví như ‘cú hích’ để toàn xã hội thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và từ đó sẽ hình thành ‘lối sống xanh’ ở chính mỗi người dân. Bởi chỉ khi người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, sống xanh, sống thân thiện, hài hòa thiên nhiên thì môi trường mới thực sự trong lành và bền vững.
Hà Nội đặt mục tiêu đưa Thủ đô trở thành thành phố xanh, văn minh – hiện đại, là nơi đáng sống và tiên phong trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hành trình đó dài hay ngắn, nhanh hay chậm là do chính sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền thành phố và do chính hành vi mỗi người dân Thủ đô, không ai có thể quyết định hoặc làm thay./.
[Hà Nội cấm xe máy xăng] Kiên định mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân (Bài 1)
[Hà Nội cấm xe máy xăng] Chuyên gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nói gì? (Bài 2)
[Hà Nội cấm xe máy xăng] Cần quyết tâm và sự đồng hành (Bài 3)
Tú Quyên – Ngọc Linh – Thu Phương – Thu Hiền
Bình luận