Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ tư, 11/09/2024 14:09
TMO - Việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã góp phần hỗ trợ tích cực công tác quản lý, quy hoạch, phục vụ cho quá trình khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật nước ngọt, từ đó đưa ra các dự báo và định hướng phát triển bền vững nguồn tài nguyên này.
Đề tài “Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và bổ sung cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật các thủy vực nội địa tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển tổng hợp và bền vững kinh tế-xã hội” được triển khai từ tháng 11/2022, là nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh, do Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, chủ trì; và Tiến sỹ (TS) Hoàng Đình Trung làm chủ nhiệm. Đề tài đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hiện trạng đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật ở các thủy vực nội địa của tỉnh Phú Yên; từ đó sử dụng làm công cụ quản lý, định hướng về quy hoạch, khai thác và bảo tồn tài nguyên sinh vật nước ngọt.
Theo đánh giá của Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Phú Yên, đến nay, đề tài đã hoàn thành các sản phẩm theo đúng hợp đồng, trong đó có nhiều hạng mục vượt tiến độ. Mục tiêu chung của đề tài là xây dựng được cơ sở dữ liệu hiện trạng đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật ở các thủy vực nội địa của tỉnh, sử dụng làm công cụ quản lý, định hướng về quy hoạch, khai thác và bảo tồn tài nguyên sinh vật nước ngọt nội địa của tỉnh Phú Yên.
Cũng theo Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Phú Yên, từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người. Việt Nam được đánh giá là một trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài động, thực vật. Thậm chí một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Do đó việc triển khai, thực hiện đề tài trên là rất cấp thiết.
Thông tin từ chủ nhiệm đề tài “Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và bổ sung cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật các thủy vực nội địa tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển tổng hợp và bền vững kinh tế-xã hội”, thời gian qua, nhóm nghiên cứu đã tiến hành 5 đợt điều tra thu mẫu ngoài thực địa và phân tích mẫu các nhóm động thực vật thủy sinh ở sông Ba và hồ thủy điện Sông Hinh; lập danh mục thành phần loài thực vật nổi, động vật nổi, động vật đáy… kèm theo giá trị kinh tế và khoa học; hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học các thủy vực nước ngọt nội địa tỉnh Phú Yên; hoàn thành việc cập nhật cơ sở dữ liệu các nhóm tài nguyên động thực vật, thủy sinh vật nước ngọt vào phần mềm quản lý dữ liệu góp phần bổ sung cơ sở dữ liệu vào hệ thống đa dạng sinh học của tỉnh Phú Yên.
Sau gần 2 năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung và sản phẩm của đề tài như nghiên cứu đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật trong các thủy vực nội địa của Phú Yên; đánh giá tính đa dạng sinh học, giá trị kinh tế, đặc hữu, quý hiếm theo các nhóm tài nguyên và theo từng hệ sinh thái điển hình, tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh; so sánh với các thủy vực miền Trung và toàn quốc.
Bên cạnh đó đã đánh giá tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật nước ngọt nội địa tỉnh Phú Yên và các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững; xây dựng bộ mẫu bảo tàng một số loài động vật thủy sinh điển hình, có giá trị khoa học, kinh tế và giá trị bảo tồn, nhất là tập trung ở nhóm động vật không xương sống (thân mềm, giáp xác cỡ lớn) và nhóm cá xương phục vụ nghiên cứu, học tập và tham quan du lịch. Tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu các nhóm tài nguyên động thực vật thủy sinh nước ngọt, bổ sung cơ sở dữ liệu vào hệ thống đa dạng sinh học của tỉnh, góp phần vào công tác quản lý, bảo tồn các loài sinh vật.
(Ảnh minh họa).
Được biết, mục tiêu cụ thể của đề tài này là xây dựng được cơ sở khoa học về hiện trạng thành phần loài, đặc trưng phân bố, các đặc tính về sinh học, sinh thái, xu thế biến động đa dạng sinh học động thực vật thủy sinh khu vực nội địa, bổ sung cơ sở dữ liệu thành phần loài động thực vật thủy sinh nước ngọt, làm cơ sở cho công tác bảo tồn, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh nhà; xây dựng bộ mẫu vật phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục môi trường.
Đồng thời, đề tài cũng bảo tồn được nguồn gen sinh vật nước ngọt nội địa định hướng phát triển bền vững trong sự cân bằng sinh thái, duy trì tính đa dạng sinh học, sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống trên phạm vi nghiên cứu.
Việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên sinh vật thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Yên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở, tiền đề giúp Phú Yên có được cơ sở khoa học về hiện trạng thành phần loài, đặc trưng phân bố, các đặc tính về sinh học, sinh thái, xu thế biến động đa dạng sinh học và môi trường sống của động thực vật thủy sinh khu vực nội địa trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho công tác bảo tồn, lập hệ thống cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó sẽ bảo tồn được nguồn gen sinh vật nước ngọt bản địa, định hướng phát triển bền vững trong sự cân bằng sinh thái, duy trì tính đa dạng sinh học. Bổ sung cơ sở dữ liệu vào hệ thống phần mềm đa dạng sinh học của tỉnh Phú Yên. Từ đó là cơ sở để đề xuất những giải pháp khả thi nhằm mục tiêu bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen thủy sản nước ngọt tự nhiên quý hiếm, có ích, và mang tính đặc hữu của địa phương.
Lê Chi
Bình luận