Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 22:07
Thứ sáu, 18/07/2025 19:07
TMO – Dự báo, khoảng sáng 21/7, bão di chuyển vào vịnh Bắc Bộ. Từ tối đến 21/7 có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền. Từ 21 đến 24/7, xảy ra một đợt mưa to đến rất to khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Chiều 18/7, tại cuộc họp ứng phó với bão Wipha, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trưa chiều nay, cường độ bão Wipha đã mạnh thêm một cấp, lên cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11. Hiện đang di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Trên ảnh mây vệ tinh có thể thấy, mây đối lưu đang chụm quanh tâm bão, điều này cho thấy bão đang có xu thế mạnh lên”.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng rạng sáng 19/7, bão Wipha sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm nay. Về hướng di chuyển, các dự báo quốc tế chưa có độ thống nhất cao. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định đường đi, tác động của bão Wipha có hình dáng của Yagi, do đó các địa phương, người dân cần hết sức lưu ý, có phương án phòng chống với bão mạnh khi đổ bộ ở cấp 10-11, giật cấp 14, 15.
Về cường độ, dự báo bão mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 khi ở khu vực vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi vào vịnh Bắc Bộ, tác động đến đất liền nước ta khoảng cấp 10. Khoảng sáng 21/7, bão di chuyển vào vịnh Bắc Bộ. Từ tối đến 21/7 có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền. Từ 21 đến 24/7, xảy ra một đợt mưa to đến rất to khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Trường hợp bão lệch hơn đi lên phía Bắc, đi dọc đất liền ven biển tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tác động về mưa gió sẽ giảm.
Hiện bão chưa vào Biển Đông nên đây mới chỉ là dự báo ban đầu, sau khi vào Biển Đông sẽ có những thay đổi. Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, sau khi bão Wipha vào đất liền sẽ xuất hiện một cơn khác và có hướng di chuyển lên phía Bắc, tạo rãnh thấp, gây ra mưa kéo dài ngày 24-25/7.
Hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng bão Wipha (sáng 18/7). Ảnh: NCHMF
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, với đường đi, tốc độ của bão Wipha như hiện nay, quan ngại nhất là cơn bão này mang bóng dáng của bão số 3 (bão Yagi) hồi tháng 9/2024. Chúng ta không chủ quan, phải chủ động tâm thế để ứng phó với một cơn bão mạnh. Thời điểm này đang là cao điểm mùa du lịch, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển và lúa đang đẻ nhánh, cây có múi đang cho quả... nếu bão vào sẽ gây thiệt hại lớn, vì vậy, phải tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó. Về hồ chứa, các hồ đều đang có dung tích nước 80 - 85%. Như vậy, khi bão đổ bộ vào, lượng mưa cao sẽ gây áp lực rất lớn. Đặc biệt, đối với các hồ không có xả tràn, nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ rất nguy hiểm đến hệ thống hồ chứa.
Trước diễn biến phức tạp của bão, Bộ Xây dựng vừa ban hành Công điện khẩn, yêu cầu các đơn vị sẵn sàng triển khai phương án ứng phó. Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu đơn vị liên quan chỉ đạo hệ thống đài thông tin duyên hải liên tục cập nhật, thông báo kịp thời về vị trí, hướng đi và mức độ nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giúp ngư dân chủ động phòng tránh hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Theo dõi sát diễn biến áp thấp, hướng dẫn tàu thuyền trước khi cấp phép rời cảng; quản lý chặt việc ra khơi, duy trì liên lạc với tàu vận tải, tàu du lịch đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu an toàn, đặc biệt tại các khu vực quanh đảo. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai khi có yêu cầu.
Tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan được yêu cầu duy trì chế độ trực ban 24/24h, đồng thời báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của cơ quan này. Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động ứng phó, không chủ quan, để hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra trong bối cảnh thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp.
NGỌC HÂN
Bình luận