Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 02:07
Thứ năm, 17/07/2025 21:07
TMO - Để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 (1/7/2026) và khu vực Vành đai 2 (1/1/2028), chính quyền Hà Nội đang xây dựng loạt cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong chuyển đổi phương tiện cũng như chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp thực tiễn trước khi triển khai. Đây cũng chính là những vấn đề người dân Thủ đô quan tâm trong nhiều ngày qua.
Đang tất bật chở hàng từ chợ đầu mối ra phố, Nguyễn Nhật Anh – một shipper lâu năm (sống tại phường Nghĩa Đô) cười tươi khi được hỏi về quy định cấm xe máy chạy xăng. Vừa buộc lại thùng hàng, anh vừa nói: “Tôi ủng hộ, chuyển sang xe điện càng tốt, vừa đỡ tốn xăng, vừa bảo vệ môi trường. Dù công việc mưu sinh gắn liền với chiếc xe máy cũ, nhưng tôi vẫn tin rằng thay đổi là cần thiết, tôi sẵn sàng đồng hành cùng thành phố để hướng tới giao thông xanh”, Anh nói.
Cũng như Nhật Anh sẵn sàng chuyển sang xe điện để góp phần giảm ô nhiễm, bà Nguyễn Thị Thành, đang thong thả đạp xe qua từng con phố nhỏ để về nhà con gái trong nội đô, khi được hỏi về chủ trương cấm xe xăng, bà mỉm cười: “Tôi ủng hộ lắm. Thành phố bớt khói bụi, con cháu mình hít thở không khí sạch sẽ hơn, thực sự tốt hơn rất nhiều. Nhất là đối với người sức khỏe yếu như tôi, ngửi nhiều mùi xăng thực sự rất độc hại.”
Trên một cung đường khác, ngay giữa trưa hè nắng nóng, trong không gian đầy dụng cụ và linh kiện, anh Nguyễn Văn Tường, chủ cửa hàng sửa chữa xe trên đường Lạc Long Quân vẫn cặm cụi kiểm tra từng bộ phận chiếc xe vừa nhận. Vừa lau tay, anh vừa chia sẻ: “Chủ trương cấm xe xăng là đúng. Mình làm nghề sửa xe nên càng thấy rõ lợi ích của việc này, nhất lại là xe điện, ít tiếng ồn, không khói bụi, lại khá tiết kiệm.” Dù bận rộn với công việc, anh Tường vẫn dành thời gian để bày tỏ sự ủng hộ cho một lộ trình giao thông sạch và bền vững.
Không chỉ với những trường hợp nêu trên, qua khảo sát, tìm hiểu của phóng viên, nhiều người dân Thủ đô (sống trong và ngoài khu vực vùng lõi) cũng bày tỏ sự đồng tình đối với phương án cấm xe máy chạy xăng trong nội đô.
Đứng trước sảnh toà nhà TNR Tower số 54A Nguyễn Chí Thanh, anh Phạm Huy Hoàng tranh thủ kiểm tra lại tài liệu trong lúc chờ đợi đối tác . Là người làm việc ngoài khu vực Vành đai 1, anh cho biết quãng đường đi lại hằng ngày của mình không bị ảnh hưởng nếu Hà Nội cấm xe sử dụng xăng ở các tuyến vành đai. “Tôi hoàn toàn ủng hộ. Việc hạn chế xe xăng sẽ giúp giảm ô nhiễm, đường phố đỡ ồn ào hơn, đây là bước đi cần thiết nhằm cải thiện chất lượng sống và tạo chuyển biến tích cực cho giao thông đô thị. Việc giới hạn, cấm xe xăng tại khu vực trung tâm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng và phương tiện xanh, phù hợp với xu thế phát triển bền vững.”
Bán hàng tại chợ Pháo Đài Láng, bà Đặng Phượng – tiểu thương kinh doanh trái cây – chia sẻ: Việc chuyển sang xe điện là chủ trương đúng, góp phần giảm ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, với thu nhập nhỏ lẻ, bà lo ngại chi phí chuyển đổi khá cao, lên tới hàng chục triệu đồng. “Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từng đối tượng, để người dân yên tâm, mạnh dạn thay đổi phương tiện”, bà Phượng nói.
Đó cũng là điều trăn trở của anh Nguyễn Văn Phú, 42 tuổi, đang sinh sống tại phường Bắc Từ Liêm. Vừa cắt tỉa cây xanh trước nhà, anh vừa chia sẻ, việc chuyển đổi phương tiện xanh là xu hướng tất yếu, nhưng cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều anh mong muốn là cần đầu tư đồng bộ hạ tầng sạc pin, mở rộng mạng lưới phương tiện công cộng thuận tiện hơn. “Việc chuyển đổi có thể khiến nhiều người lo lắng, thậm chí ảnh hưởng đến công việc mưu sinh hằng ngày của không ít hộ dân ở thành phố nhưng nghĩ cho cùng cũng cần phải thay đổi, lúc đầu sẽ khó khăn bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen cả thôi.”
Sự đồng tình của người dân cho thấy chủ trương cấm xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nội đô đang dần nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực tiễn một cách thuận lợi, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi phương tiện là điều cần thiết.
Hà Nội chuẩn bị những gì khi chuyển đổi phương tiện?
Thủ đô Hà Nội đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ hướng đến một đô thị xanh, văn minh và thân thiện với môi trường. Trong hành trình đó, thành phố luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm, là đối tượng được quan tâm, bảo vệ. Vì thế, việc chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông xanh không phải là sự thay đổi đột ngột, mà có lộ trình rõ ràng kèm những chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế.
Còn nhớ, năm 2017, HĐND TP. Hà Nội ban hành Nghị quyết 04/2017 thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án nêu rõ lộ trình thực thực chia thành 03 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017 - 2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017 - 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Chỉ thị ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng nêu rõ lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông ở Hà Nội. Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Để chuẩn bị cho lộ trình đề ra, trong suốt nhiều năm qua, Hà Nội đã bắt tay nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, từng bước bắt tay triển khai thực hiện, trong đó cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, khuyến kích người dân Thủ đô thay đổi phương tiện giao thông, ưu tiên sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu sạch, sử dụng phương tiện công cộng…
Mới đây nhất, Hà Nội xây dựng, lấy ý kiến dự thảo quy định hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng nhiên liệu xăng, dầu của người dân sinh sống trong khu vực Vành đai 1. Mức hỗ trợ được đề xuất là 3 triệu đồng/xe đối với cá nhân thường, 4 triệu đồng/xe đối với hộ cận nghèo và 5 triệu đồng/xe đối với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa một xe đến hết năm 2030.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng dự kiến miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng như trạm sạc điện, bến bãi đỗ xe và phương tiện công cộng… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi phương tiện một cách an toàn, chủ động và hiệu quả. Đây được xem là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của chính quyền Thủ đô trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường. Sử dụng xe điện hay phương tiện giao thông công cộng khi tham gia giao thông mở ra hướng đi tích cực cho đô thị xanh. Sự thay đổi hôm nay sẽ góp phần tạo nên diện mạo đô thị thân thiện với môi trường trong tương lai. Do đó, bên cạnh sự quyết tâm của chính quyền thành phố cũng rất cần sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của người dân để cùng chung tay đưa Thủ đô trở thành thành phố xanh – sạch, văn minh – hiện đại.
Bài tiếp: Hà Nội cấm xe máy xăng: 'Cú hích' thay đổi tư duy, hình thành lối sống xanh (Bài 4)
[Hà Nội cấm xe máy xăng] Chuyên gia Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nói gì? (Bài 2)
[Hà Nội cấm xe máy xăng] Kiên định mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân (Bài 1)
Tú Quyên – Ngọc Linh – Thu Phương - Thu Hiền
Bình luận