Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ năm, 05/09/2024 13:09
TMO - Sau gần 2 năm thực hiện đến nay, chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm của TP. Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của TP. Đà Nẵng và cũng là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước, cùng với nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết.
Địa danh “Nam Ô” ngày nay là tên của một ngôi làng chài cổ ở cửa ô phía Nam của nước Đại Việt xưa, nằm bên vịnh Đà Nẵng. Tại đây, có làng nghề truyền thống làm nước mắm nổi tiếng. Danh tiếng của nước mắm Nam Ô đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ như “Nước mắm Nam Ô, Cá rô Xuân Thiều” hay “Mắm Nam Ô, ở mô cũng biết”, “Nam Ô nước mắm thơm nồng, Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà”.
Trải qua nhiều năm, nghề làm nước mắm ở Nam Ô vẫn gìn giữ và bảo tồn những kinh nghiệm truyền thống để tạo nên một sản phẩm có đặc thù riêng. Nước nắm Nam Ô được chế biến từ nguồn nguyên liệu là cá Cơm Than và muối. Cá Cơm Than là loại cá sống ở tầng nổi được người dân địa phương đánh bắt trên vùng biển Đà Nẵng từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch (vụ mùa cá Nam) và từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch (vụ mùa cá Bắc). Bằng kinh nghiệm trong sản xuất, người làm nước mắm tại Nam Ô đã đúc kết được tỉ lệ ướp là 3 cá/muối cho vụ mùa cá Nam, và tỉ lệ ướp 2,5 cá/muối cho vụ mùa cá Bắc.
Trong sản xuất nước mắm, công đoạn đánh đảo và thời gian ủ chượp ảnh hưởng đến màu sắc nước mắm. Tại Nam Ô, hỗn hợp cá Cơm Than là chủ yếu và muối được cho vào chum 1 lần duy nhất để chượp, sử dụng phương pháp gài nén trong 3 tháng đầu và đánh đảo trong thời gian còn lại để xương và thịt cá tan đều vào nhau. Sau thời gian ủ chượp (từ 12 tháng - 18 tháng), khi thấy nước có màu nâu cánh gián nổi lên là mắm chín, tiến hành lọc.
Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, nước mắm Nam Ô có màu nâu cánh gián, vị mặn, hậu vị ngọt đậm kéo dài, mùi thơm dịu đặc trưng. Về chất lượng, nước mắm Nam Ô có hàm lượng Nitơ tổng số lớn hơn hoặc bằng 20 g/l, hàm lượng Nitơ axit amin so với Nitơ tổng số lớn hơn 43,5%, hàm lượng Nitơ amoniac so với Nitơ tổng số nhỏ hơn 14,2%. Đặc thù nước mắm Nam Ô có được là do sự tổng hòa của điều kiện địa lý tự nhiên và phương pháp sản xuất hàng trăm năm của người làm mắm.
Chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ thể hiện sự công nhận về uy tín, chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm này. Ảnh: VH.
Cũng theo dữ liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có 125 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho nhiều loại sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước (gồm nước mắm Phú Quốc, nước nắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô). Về khu vực địa lý của nước mắm Nam Ô sẽ là các khối phố Nam Ô 1, Nam Ô 2, Nam Ô 3, Xuân Thiều thuộc phường Hoà Hiệp Nam; Kim Liên thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng.
Việc nước mắm Nam Ô được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm nước mắm truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời đây là hành làng pháp lý để bảo vệ cho người dân làm nước mắm, xác định được vùng địa lý sản xuất nước mắm, quy trình chuẩn để sản xuất ra nước mắm đúng chuẩn Nam Ô. Qua việc được bảo hộ tài sản trí tuệ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô”, các hộ được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý này sẽ tuân thủ sự quản lý nghiêm ngặt về sản phẩm, đồng bộ về chất lượng để bảo vệ danh tiếng, uy tín của nước mắm Nam Ô.
Thông tin từ Đại diện Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, hiện làng nghề đang duy trì 71 hội viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng. Nhiều hộ sản xuất đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm giới thiệu tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Đến nay, có 3 đơn vị trong làng nghề có sản phẩm nước mắm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao. Việc được công nhận chỉ dẫn địa lý là động lực để các hội viên làng nghề quyết tâm duy trì, gìn giữ và nâng tầm thương hiệu nước mắm của làng Nam Ô.
Trước đó, với những giá trị sâu sắc trong đời sống sinh hoạt và cũng là nghề truyền thống lâu đời, nghề làm nước mắm Nam Ô đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nước mắm Nam Ô là một trong 3 sản phẩm nước mắm trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là tài sản trí tuệ khẳng định uy tín, danh tiếng, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Do đó, thành phố cùng các sở, ban, ngành, của TP.Đà Nẵng cần tiếp tục có những giải pháp quản lý hiệu quả, nhầm bảo tồn và nâng tầm giá trị cho sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống nói chung và sản phẩm nước mắm Nam Ô nói riêng.
Thuỳ Chi
Bình luận