Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ hai, 15/04/2024 14:04
TMO - Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái đóng góp đáng kể trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ về cam kết phát triển bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cả nước hiện có 422 khu công nghiệp (KCN). Quá trình xây dựng và phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam cho thấy, khu công nghiệp là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển KCN thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN…
Vì vậy, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là một trong những giải pháp tăng thêm trách nhiệm về mặt môi trường, xã hội với cộng đồng, từ đó nhận diện hình ảnh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Đặc biệt, mô hình phát triển bền vững cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng chung quanh bằng cách giảm ô nhiễm, tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, giảm hóa chất độc hại ra môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Về dài hạn, chuyển đổi mô hình KCN thông thường sang mô hình KCN sinh thái sẽ giúp thu hút làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao.
Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mô hình khu công nghiệp sinh thái bắt đầu triển khai dự án thí điểm tại Việt Nam từ năm 2015. Cho đến nay, mô hình đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp Nghị định của Chính phủ đồng thời lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện.
Mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được Chính phủ nêu rõ tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26, thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái đóng góp đáng kể trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp xanh tại Việt Nam.
Sau khi mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm (giai đoạn 2015-2019) được thực hiện tại 4 khu công nghiệp (khu công nghiệp Khánh Phú, khu công nghiệp Gián Khẩu tại Ninh Bình, khu công nghiệp Hòa Khánh tại Đà Nẵng và khu công nghiệp Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Cụ thể, Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5/2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30/4/2024. Chương trình được triển khai thực hiện tại một số KCN là Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Đình Vũ (Hải Phòng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata (Đồng Nai), Hòa Khánh (Đà Nẵng).
Trong quá trình triển khai dự án, 603 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã được đề xuất cho 68 doanh nghiệp tại 3 khu công nghiệp Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng). Trong số đó, 217 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải C02 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, dự án cũng đã đề xuất thực hiện 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp-đô thị cho 5 khu công nghiệp (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với những mô hình KCN sinh thái tăng cường thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và công sinh công nghiệp, trong giai đoạn 2020 - 2024, 88 doanh nghiệp đã thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2 hàng năm. Mô hình khu công nghiệp sinh thái đóng vai quan trọng trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và thể hiện cam kết chính trị đối với các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Tại KCN sinh thái, các giải pháp tuần hoàn: thu gom, xử lý, tái sử dụng các chất thải, phế liệu làm nguyên liệu đầu vào sản xuất, giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn được đẩy mạnh triển khai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao đóng góp của dự án trong việc đẩy mạnh triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thực hiện kinh tế tuần hoàn và hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Trên cơ sở này cần tiếp tục nhân rộng việc thực hiện khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới, xây dựng hệ thống thông tin để đánh giá, chứng nhận và giám sát hoạt động của các khu công nghiệp sinh thái, kết hợp với tăng cường cơ chế đối thoại công tư.
Việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ dừng lại ở các khu công nghiệp trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế mà đã được lan tỏa sang các khu công nghiệp khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân (như khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng, các khu công nghiệp của Tập đoàn Becamex; các khu công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng của tập đoàn VSIP...). Theo đó, các địa phương đã coi mô hình khu công nghiệp sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới và lồng ghép việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, từ đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội.
Hiện nay, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, tất yếu của các quốc gia để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế; đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Trong bối cảnh đó, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần các mô hình mới với các chính sách phù hợp như mô hình khu công nghiệp sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái quy định chi tiết việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái quy định tại các Điều 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo dự thảo, nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái gồm: Dự kiến các ngành nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo quy hoạch phân khu xây dụng của khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Dự kiến mức phát thải cho các ngành nghề thực hiện cộng sinh công nghiệp; Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu; Phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh;
Dự thảo đề xuất, cộng sinh công nghiệp quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP bao gồm các mạng lưới hợp tác: Trao đổi chất thải (rắn, lỏng, khí) giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; Sử dụng chung hạ tầng phục vụ sản xuất trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp (không bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung của khu công nghiệp do nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cung cấp); Sử dụng dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp.
Mai Hoa
Bình luận