Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 21:11
Thứ hai, 09/01/2023 03:01
TMO - Các chuyên gia đánh giá, việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cần những chính sách cụ thể hơn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị Quyết cũng nhấn mạnh cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Nhằm thực hiện những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa cam kết này, trong đó kế hoạch chuyển đổi năng lượng được ưu tiên thực hiện. Trong những năm qua nhờ các cơ chế khuyến khích của Đảng và Chính phủ cùng với sự vào cuộc tích của bộ, ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo có những bước phát triển tích cực.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các chính sách liên quan như Quy hoạch điện 8 chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai chiến lược cũng như các bước tiếp theo.
Hiện có đến 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479MW, đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tuy nhiên, do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 nên gần một năm qua vẫn đang chờ giá bán điện mới. Các dự án điện mặt trời còn có 452,62MW công suất lắp đặt cũng đang chờ xác định giá bán điện mới. Với điện mặt trời mái nhà, gần 02 năm qua trôi qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Các chuyên gia đánh giá, việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cần những chính sách cụ thể hơn để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Tại diễn đàn năng lượng tái tạo năm 2022 với chủ đề: "Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới" vừa được tổ chức, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn. Cụ thể, các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài. Thứ hai, khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…. Thứ ba, các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khó hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Trong khi đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.
Ngày 26/7/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ thực hiện song song nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.
Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Hiện nay trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.
Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần sớm hoàn thiện Quy hoạch điện 8 để tạo điều kiện phát triển cho thị trường năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần đưa ra các định hướng, chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn năng lượng tái tạo như: Công bố khối lượng các dự án điện năng lượng tái tạo, tại mỗi vùng, miền cần xây dựng trong từng giai đoạn; ban hành giá điện hỗ trợ (FIT) đối với các dự án năng lượng tái tạo có quy mô công suất nhỏ và điện mặt trời mái nhà.
Với các dự án năng lượng chuyển tiếp, trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.
Đối với dự án điện sinh khối đồng phát, Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh Quyết định 08/2020/QĐ-TTg liên quan đến cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam theo hướng ngoài vụ sản xuất mía đường, khi không hoạt động theo cơ chế đồng phát nhiệt – điện, nhà máy sẽ hoạt động như nhà máy điện sinh khối, giá mua điện theo giá điện sinh khối.
Nguyễn Hạnh
Bình luận