Hotline: 0941068156
Thứ năm, 10/07/2025 03:07
Thứ tư, 09/07/2025 15:07
TMO - Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM, cán bộ tại 168 phường, xã thuộc địa bàn TP. HCM (sau sáp nhập) đã bước đầu thực hiện được quy trình tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công, khai thác dữ liệu địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường về tình hình tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong tuần đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sau khi thành phố sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 1-5/7, các đơn vị cấp xã, phường (thuộc ba địa phương sáp nhập) đã tiếp nhận tổng cộng 278 hồ sơ qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (Dịch vụ công Thành phố). Đây là các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã (gồm 14 thủ tục hành chính).
Đối với nhóm thủ tục thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Văn phòng Đăng ký đất đai TP. HCM (gồm 23 thủ tục hành chính), từ ngày 1 đến 4.7, các văn phòng vẫn tiếp tục tiếp nhận hồ sơ tại các địa điểm cũ như trước đây. Tổng cộng có 11.304 hồ sơ được tiếp nhận, trong đó có 675 hồ sơ nộp trực tuyến. Đặc biệt, đã ghi nhận 4 hồ sơ phi địa giới hành chính.
Cán bộ tại 168 phường, xã thuộc địa bàn TP. HCM (sau sáp nhập) đã bước đầu thực hiện được quy trình tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công, khai thác dữ liệu địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, do chuyển đổi mô hình hành chính và áp dụng phần mềm mới, một số cán bộ tại xã, phường vẫn chưa nắm rõ thao tác trên phần mềm VBDLIS, cũng như việc liên thông thuế điện tử trong mô hình chính quyền hai cấp
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ tại một số địa phương còn hạn chế. Các xã, phường vùng sâu, vùng xa chưa được trang bị đầy đủ thiết bị, đường truyền Internet còn yếu. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa UBND xã, phường và trung tâm hành chính khiến việc luân chuyển hồ sơ, đặc biệt là các thủ tục cần xử lý trong ngày gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.
TP. HCM triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính đất đai cấp xã (Ảnh minh họa: GL).
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai, hướng dẫn tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cấp xã khi tổ chức lại bộ máy hành chính. Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố yêu cầu việc triển khai, hướng dẫn tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai cấp xã khi tổ chức lại bộ máy hành chính trên địa bàn thành phố phải bảo đảm bám sát các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương sau sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính; chú trọng hỗ trợ các xã, phường thuộc địa bàn đặc thù, còn khó khăn, bảo đảm triển khai thống nhất trên toàn TP. HCM (mới).
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM giao Văn phòng Sở làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện quy trình nội bộ, tái cấu trúc quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai cấp xã; biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn chi tiết quy trình tiếp nhận và giải quyết từng TTHC lĩnh vực đất đai cấp xã bảo đảm thống nhất và đồng bộ trên toàn địa bàn TP. HCM (mới) sau khi được UBND Thành phố phê duyệt quy trình nội bộ.
Từ nay đến hết tháng 7/2025, Văn phòng Đăng ký đất đai TP. HCM chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu phân công các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc cử nhân sự tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tại UBND cấp xã về quy trình, trình tự, thành phần hồ sơ, thẩm quyền giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai cấp xã; đồng thời, hướng dẫn sử dụng phần mềm chuyên ngành trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử.
Người đứng đầu, phụ trách các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và đơn vị liên quan trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Kế hoạch này, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai cấp xã trên địa bàn TP. HCM (mới) được thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng quy định pháp luật, không để phát sinh ách tắc, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các phòng, đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương; kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, báo cáo Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM chỉ đạo kịp thời. Văn phòng Sở theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng tuần (từ nay đến hết tháng 7) có báo cáo nhanh gửi Ban Giám đốc Sở./.
Trần Hòa
Bình luận