Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/07/2025 11:07
Thứ tư, 09/07/2025 06:07
TMO - Quảng Trị đang đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư hạ tầng nhằm phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Tỉnh xác định đây là lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực tăng trưởng xanh và bền vững. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai, góp phần đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, tỉnh Quảng Trị xác định ngành năng lượng sạch là một trong những trụ cột quan trọng để tạo đột phá. Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển điện gió, điện mặt trời và tiềm năng điện khí, Quảng Trị đang chủ động thu hút đầu tư, quy hoạch không gian phát triển năng lượng một cách bài bản và bền vững.
Nhiều dự án điện gió quy mô lớn đã được triển khai tại các địa phương ven biển, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực về cả kinh tế lẫn môi trường. Song song đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái, ứng dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và sinh hoạt, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng truyền tải điện, khu công nghiệp năng lượng và các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư cũng được tỉnh quan tâm hoàn thiện.
Việc định hướng trở thành trung tâm năng lượng sạch không chỉ giúp Quảng Trị khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở khu vực miền Trung. Với cách tiếp cận đồng bộ, tầm nhìn chiến lược và sự đồng thuận từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp, người dân, Quảng Trị đang cho thấy bước đi chủ động, bài bản trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, hướng đến mô hình kinh tế xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất gần 1.180MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng gần 150MWp; 1 dự án nhà máy nhiệt điện than với công suất 1.320MW; 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840MW; 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5MW.
Đến nay, đã có 20 dự án điện gió với tổng công suất 742,2MW, 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 119,6MW, 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW và có các hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 150,7MW đã được đưa vào vận hành thương mại.
Quảng Trị có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng triển khai một số dự án nguồn điện quan trọng, đó là: Dự án Cụm trang trại điện gió B&T có công suất lắp đặt 252MW, tổng vốn đầu tư 8.113 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành và phát điện thương mại, trung bình hàng năm phát được 550-560 triệu kWh.
Dự án điện mặt trời Dohwa-Lệ Thủy do Công ty TNHH Năng lượng Xanh Dohwa (thuộc Tập đoàn Dohwa Engineering - Hàn Quốc) đầu tư, có công suất 49,5MWp, tổng vốn đầu tư 1.037 tỷ đồng, hàng năm phát được từ 59-61 triệu kWh.
Mặt khác, tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, bổ sung khoảng 1.500-2.000 MW công suất điện gió trên bờ và 2.600- 4.000MW điện gió ngoài khơi. Phát triển các cơ sở công nghiệp khí khác tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; phát triển các dự án hydroxanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng tái tạo...
Chú trọng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Quảng Trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với các mục tiêu chính là phát triển ngành năng lượng hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng, an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, lưu trữ và sử dụng CO2, thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và dân dụng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dự báo ngành công nghiệp hydro và thị trường hydro (nhiên liệu xanh) sẽ phát triển nhanh sau năm 2025. Để đón đầu việc phát triển trong lĩnh vực này, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo bổ sung định hướng phát triển nhiên liệu xanh vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai nghiên cứu, xác định địa điểm đầu tư và triển khai đầu tư các dự án sản xuất hydro, amoniac từ năng lượng tái tạo với quy mô công suất trên 120.000 tấn/năm.
Định hướng phát triển Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung không chỉ là sự lựa chọn phù hợp với xu thế toàn cầu, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong khai thác tiềm năng địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư trên cơ sở đúng pháp luật, tạo sự thân thiện, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; định hướng lựa chọn nhà đầu tư lớn, tầm cỡ trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Quảng Trị định hướng trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung.
Ðể hỗ trợ nhà đầu tư, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm khởi công đưa vào khai thác khu công nghiệp, cảng biển,, Cảng hàng không, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Ðông-Tây, cao tốc và kết nối các công trình giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia…
Sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo những năm qua đã tạo việc làm cho người dân, cải thiện sinh kế và đóng góp quan trọng vào ngân sách tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh những thuận lợi thì sự phát triển nhanh của các dự án năng lượng tái tạo cùng lượng công suất rất lớn từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực dẫn đến nguy cơ công suất truyền tải trên lưới điện tăng cao, gây quá tải hệ thống lưới điện trong khu vực, tiềm ẩn sự cố lưới điện truyền tải đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện đối với ngành điện cũng như năng lượng tái tạo.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh cả nước đang chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, việc đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Quảng Trị nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư chất lượng cao và mở rộng hợp tác quốc tế.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo thêm nhiều việc làm xanh, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, với việc hình thành các cụm công nghiệp năng lượng, trung tâm điều phối và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, Quảng Trị sẽ từng bước xây dựng được hệ sinh thái phát triển năng lượng bền vững, kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quan trọng hơn, quá trình này sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hướng tới tăng trưởng xanh.
Thuỳ Trang
Bình luận