Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 05/06/2024 14:06
TMO - Việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn được kỳ vọng là bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải trên cả nước. Tuy nhiên, việc phân loại, xử lý rác thải thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức để triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước mỗi ngày khoảng 67.877 tấn. Riêng khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày. Năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, trong đó đô thị đạt 96,60%, khu vực nông thôn đạt 77,69% (số liệu báo cáo của 61 tỉnh, thành phố). Về công tác xử lý chất thải sinh hoạt, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn, phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%); cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 1.178 cơ sở (chiếm 76,1%) trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sự gia tăng dân số cùng với quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước diễn ra mạnh mẽ, một mặt thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, mặt khác đã làm gia tăng lượng và thành phần chất thải, trong đó có cả chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực rất lớn đến môi trường đa số các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phục vụ cho hoạt động tiêu dùng, nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư cho công đoạn xả thải và xử lý chất thải. Vì vậy, áp lực môi trường không chỉ là sự gia tăng về số lượng và thành phần chất thải mà cách thức chúng ta vứt bỏ và ứng xử với chất thải rắn.
Thời gian tới, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Theo đó coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.
Sau hơn 2 năm, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, để thúc đẩy quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều các hoạt động để xây dựng mô hình phân loại chất thải, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, hệ thống pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt về cơ bản đã hoàn thiện, hiện chỉ còn 1 văn bản về định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn tất các thủ tục để ban hành vào cuối tháng 6 và tháng 9/2024, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố xây dựng định mức kỹ thuật, giá dịch vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Tại các tỉnh, thành phố, hầu hết đã xây dựng và triển khai nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để làm căn cứ xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt của địa phương.
Nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương đã bắt đầu thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở quy mô lớn hơn; áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến (như tái chế, khí hóa, đốt có thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost) để tái chế, tái sử dụng và xử lý theo tính chất các loại chất thải sau phân loại, làm cơ sở để điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho phù hợp với địa phương mình; một số địa phương đã thí điểm tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý theo khối lượng và thể tích thông qua bao bì chứa chất thải...
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương còn gặp nhiều thách thức. Trước hết, hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại. Đây là công việc quan trọng nhất trước khi thực hiện công tác phân loại chất thải.
Bên cạnh đó là việc thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, thành phố trong bối cảnh hầu hết các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thuộc quản lý nhà nước, chưa đảm bảo năng lực và trang thiết bị cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại. nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt.
Cụ thể là nhiều địa phương vẫn tư duy chất thải phải mang đi xử lý, chưa tìm kiếm hoặc xây dựng các cơ sở tái chế trong và ngoài tỉnh để biến chất thải sau phân loại thành tài nguyên và nguyên liệu sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước; chưa đưa các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các điểm tập kết/trạm trung chuyển/trạm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các khu tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào trong quy hoạch của tỉnh để có lộ trình thực hiện;
Một số địa phương chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với địa phương. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế và cần thời gian để tổ chức thực hiện.
Việc thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương còn gặp nhiều thách thức mà trước hết là hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu.
Trước những vướng mắc trên, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, để các địa phương thực thi công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế sau phân loại đòi hỏi có sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ của 3 bên là chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Cần xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nước ta để làm căn cứ cho việc đánh giá lựa chọn công nghệ. Các tiêu chí đánh giá này nên tập trung vào kỹ thuật sao cho phù hợp với kinh tế và môi trường bản địa. Đặc biệt, đưa ra tiêu chí khuyến khích các công nghệ hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong quá trình lựa chọn, cần đánh giá chặt chẽ tính khả thi, bền vững của công nghệ được xem xét. Đối với các dự án đầu tư, cần chú ý đến các yếu tố có thể dẫn đến sự cố môi trường, ảnh hưởng đến sức chịu tải của môi trường. Công nghệ xử lý chất thải rắn cần được triển khai phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Đồng thời, chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế chất thải rắn thành phân hữu cơ vi sinh hay công nghệ đốt để giảm tối thiểu việc chôn lấp, nhằm kéo dài tuổi thọ của bãi chôn. Bên cạnh đó, nên có mô hình xử lý khu liên hợp cấp huyện theo liên xã, liên vùng với các khu tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại. Việc kết hợp này nhằm giảm thể tích chất thải (nhiệt, đóng rắn) và hạn chế các trường hợp chôn lấp chất thải không qua xử lý, hợp vệ sinh.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Không phải trả chi phí thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm: Được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ vi sinh; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tại văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cụ thể, Nhóm 1, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2, chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Nhóm 3, chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại.
Trên cơ sở hướng dẫn nêu trên, UBND các tỉnh, thành phố sớm xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, và các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó lưu ý một số nội dung sau: Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Thu Trang
Bình luận