Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ hai, 13/05/2024 14:05
TMO - Thời gian qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đẩy mạnh công tác thu gom chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trong đó có bao gói, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng, nhằm hạn chế tác động từ sản xuất đến môi trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế - xã hội khác, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, vùng đồng bằng sông Hồng đã có các tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi được tạo lập tốt; đã hình thành các vùng lúa xuất khẩu và các vùng sản xuất lúa, ngô, rau thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc...
Năm 2023, vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy 937 nghìn ha (vụ Đông Xuân 477 nghìn ha, vụ mùa 460 nghìn ha) giảm khoảng 17 nghìn ha… Năng suất lúa năm 2023 trung bình đạt 58,4 tạ/ha tăng so với năm 2022 là 1,2 tạ/ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2022-2023 ước đạt khoảng 64,4 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2021-2022) (vùng ĐBSH năng suất đạt 66,7 tạ/ha…Với diện tích sản xuất nông nghiệp của vùng, mỗi năm nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng rất lớn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Thực tế này đòi hỏi công tác thu gom, xử lý rác thải từ thuốc BVTV cần được chú trọng triển khai.
Tại Vĩnh Phúc, sau thời gian tích cực triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”, nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường đã dần được nâng lên. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nhân rộng mô hình, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao: Duy trì 50 mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” đã được công nhận và nhân rộng thêm 30 mô hình trong năm 2024.
Bể chứa bao bì thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được đặt ở những vị trí phù hợp, cạnh đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư. Ảnh: BVP.
Là địa phương đi đầu trong triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV”, từ năm 2021, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường đã lên ý tưởng và chỉ đạo các cấp hội nghiên cứu mô hình để triển khai điểm tại một số cơ sở hội. Năm 2022, Hội Nông dân huyện triển khai, nhân rộng mô hình đến các cấp hội trong toàn huyện. Hằng năm, Hội Nông dân huyện xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, báo cáo Đảng ủy, đề nghị UBND xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí lắp đặt bồn chứa vỏ thuốc BVTV; phối hợp với hợp tác xã nông nghiệp, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, thị trấn khảo sát các vị trí lắp đặt bồn chứa vỏ thuốc BVTV trên những cánh đồng được quy hoạch đến năm 2030; thống nhất lựa chọn mẫu bồn chứa phù hợp, có tính ứng dụng cao.
Đến nay, 28/28 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường đã lắp đặt 1.175 bồn chứa vỏ thuốc BVTV. Trong đó, xã Bình Dương có 96 bồn, xã Ngũ Kiên có 88 bồn, xã Thượng Trưng có 87 bồn…Bể chứa vỏ thuốc BVTV đều được đặt ở những vị trí phù hợp, cạnh đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con nông dân bỏ vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường ở khu vực lân cận.
Năm 2024, dự kiến Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng mô hình và lắp đặt thêm 400 bồn chứa, góp phần xây dựng huyện Vĩnh Tường xanh - sạch - đẹp - văn minh - đáng sống, thực hiện phong trào thi đua "Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp".
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 66 mô hình, với tổng số 1.849 bể chứa vỏ thuốc BVTV ở hơn 50 xã, phường, thị trấn. Để triển khai hiệu quả mô hình, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân các biện pháp thu gom bao bì thuốc BVTV để vào đúng nơi quy định; mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng thuốc BVTV, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định, theo thống kê hàng năm hoạt động sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước tính sử dụng hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại, do vậy lượng vỏ, bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng rất lớn. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tập trung thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình “Bể bê tông chứa bao bì thuốc BVTV”.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được hơn 20 nghìn bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương trên các cánh đồng. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mô hình “Bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV” đã và đang được sử dụng hiệu quả trên địa bàn. Trong năm 2023, số lượng bao bì thuốc BVTV được thu gom, xử lý sau sử dụng gần 147 tấn. Toàn bộ lượng bao gói thuốc BVTV sau khi thu gom được vận chuyển và đưa đi xử lý đúng quy định về xử lý chất thải nguy hại thông qua hợp đồng với công ty xử lý.
Các địa phương đã đẩy mạnh công tác thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp.
Sau hơn 7 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT – BNNPTNT – BTNMT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tỉnh Thái Bình đã xây dựng được hệ thống bể chứa tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, từ đó thay đổi đáng kể ý thức người sản xuất trong vấn đề thu gom, xử lý loại rác thải nguy hiểm này.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vi trực thuộc tổ chức 63 lớp tập huấn, cấp phát tài liệu tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và lồng ghép việc hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị, xã hội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng như huy động các nguồn lực xã hội hóa mua sắm các bể chứa, xây dựng các mô hình thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các xứ đồng.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng 4.500 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom khoảng 120 tấn. Tỷ lệ thu gom vào các bể chứa đạt khoảng 95%, trong đó số lượng đã xử lý khoảng 70%. Mặc dù chưa khép kín hệ thống bể chứa theo đúng quy định, trong quá trình sử dụng bể, thu gom và xử lý rác thải bảo vệ thực vật vẫn còn một số vấn đề bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, tuy nhiên nhìn chung việc triển khai xây dựng hệ thống bể thu gom đã có những tín hiệu tích cực. Tại những vùng sản xuất nông nghiệp đã đặt bể chứa, người dân đã dần có ý thức thu gom rác thải vào bể, tình trạng vứt bừa bãi ra đồng ruộng bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đã giảm hẳn.
Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những vật tư quan trọng góp phần bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng, quyết định giá trị và chất lượng nông sản. Tuy nhiên, tác hại của loại chất này cùng với vỏ bao bì cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống cũng như sức khỏe của con người. Bởi vào mùa nắng nóng, rác thải thuốc BVTV không được xử lý đúng cách còn sót lại trong các chai, lọ, bao bì sẽ bốc lên mùi hôi nồng nặc, phát tán vào không khí và ngấm sâu vào lòng đất... gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí, thức ăn; là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người.
Trước thực tế này, đòi hỏi các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, nhân rộng các mô hình thu gôm hiệu quả, hạn chế tác động tới môi trường từ hoạt động sản xuất. Cùng với công tác thu gom, thời gian qua việc sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn đang được khuyến khích. Thuốc BVTV sinh học an toàn và ít độc hại đối với sức khỏe con người, sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản.
Nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân chuyển dần từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang các loại thuốc BVTV sinh học, Cục Bảo vệ thực vật cùng cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức quốc tế và nhiều địa phương đã khởi động một “chiến dịch” quy mô lớn, rộng khắp cả nước. Thời gian qua, thói quen sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại của người dân đã giảm dần qua các năm. Các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ là khu vực sử dụng thuốc BVTV sinh học cao nhất nước, trung bình 1,49 kg/ha. Ðứng thứ hai là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 0,79 kg/ha. Tiếp đến là các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc, duyên hải Nam Trung Bộ.
Lê An
Bình luận