Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ sáu, 09/08/2024 14:08
TMO - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang nghiên cứu khả năng ứng dụng vật liệu xây dựng mới được tạo ra từ công nghệ sử dụng tro bay và xỉ lò cao (CMD-SOIL) tại Việt Nam, nhằm thay thế xi măng trong các công trình xây dựng hạ tầng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị. Với đà phát triển, đến năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 1.000 đô thị. Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% phế thải rắn xây dựng.
Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa ở Việt Nam tăng nhanh với nhiều công trình xây dựng mới đã kéo theo những tác động về môi trường do ô nhiễm bụi và rác thải xây dựng khó tái chế. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhu cầu sử dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và tiết kiệm được điện năng tiêu thụ đang là xu hướng mà ngành sản xuất vật liệu xây dựng hướng tới.
Bên cạnh đó, trong điều kiện bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, việc tìm kiếm giải pháp xây dựng bền vững thay thế cho các vật liệu thông thương là rất cần thiết. Trong khi đó, sản xuất xi măng truyền thống tiêu tốn năng lượng, gây tiêu hao một nguồn lớn tài nguyên, đồng thời thải ra môi trường một lượng lớn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Trước thực trạng trên, các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã và đang nghiên cứu khả năng ứng dụng loại vật liệu xây dựng mới CMD-SOIL được tạo ra từ công nghệ sử dụng tro bay từ lò hơi tầng sôi lưu hóa (CFBC) và xỉ lò cao (BFS) nhằm thay thế xi măng trong các công trình xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
CMD-SOIL đã được ứng dụng trong nhiều dự án xây dựng tại một số nước trên thế giới, đặc biệt là các dự án xây dựng cảng biển, sân bay. Hiện tại, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang nghiên cứu khả năng ứng dụng CMD-SOIL tại Việt Nam, nhằm thay thế xi măng trong các công trình xây dựng hạ tầng, hướng tới bảo vệ môi trường xanh, sạch, hạn chế ô nhiễm.
CMD-SOIL, được phát triển từ chất thải công nghiệp như tro bay và xỉ lò cao, là một giải pháp thay thế hiệu quả cho xi măng. CMD-SOIL không chỉ giảm tiêu thụ xi măng mà còn tái chế chất thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó CMD-SOIL có thể áp dụng cho nhiều mục đích xây dựng như gia cố nền đất, xây dựng tường xi măng đất và xử lý bùn hữu cơ và vô cơ.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang nghiên cứu khả năng ứng dụng vật liệu xây dựng mới nhằm thay thế xi măng trong các công trình xây dựng hạ tầng (Ảnh minh họa).
Lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã chỉ rõ một số lợi ích nổi bật của CMD-SOIL, bao gồm bảo vệ môi trường, cụ thể giảm phát thải khí nhà kính và tái chế chất thải công nghiệp. Về mặt hiệu quả kinh tế, CMD-SOIL có giá thành thấp hơn so với xi măng truyền thống. Ngoài ra, vật liệu xây dựng mới này có thể được ứng dụng đa dạng, phù hợp cho nhiều lĩnh vực xây dựng.
Lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhận định, việc tìm kiếm các giải pháp bền vững trong xây dựng là một nhu cầu cấp bách. CMD-SOIL ra đời như một giải pháp tiên tiến, thay thế xi măng truyền thống bằng việc sử dụng chất thải công nghiệp như tro bay từ các nhà máy nhiệt điện và xỉ lò cao từ các nhà sản xuất sắt và thép. Điều này không chỉ giúp giảm tiêu thụ xi măng mà còn góp phần tái chế các vật liệu thải công nghiệp, tạo ra một vòng tuần hoàn kinh tế và bảo vệ môi trường. CMD-SOIL được phát triển với công nghệ không nung kết hợp chất kết dính vô cơ và không sử dụng xi măng. CMD-SOIL có thể áp dụng cho nhiều mục đích xây dựng khác nhau như gia cố nền đất yếu, xây dựng tường xi măng đất, xử lý bùn hữu cơ và vô cơ, và nhiều ứng dụng khác…
Nhằm đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 về quản lý vật liệu xây dựng. Tại Điều 5, Chương II của Nghị định nhấn mạnh về chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước theo quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan…Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, do đó đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Minh Châu
Bình luận