Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ năm, 20/06/2024 08:06
TMO - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, có 2 nhóm đối tượng phát sinh lượng khí nhà kính lớn nhất trong ngành xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng (phát thải trực tiếp và gián tiếp) và vận hành tòa nhà (chủ yếu là phát thải gián tiếp). Hiện phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng dự báo vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn phát thải khí nhà kính của ngành này thông qua các phản ứng hóa học từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng (phần lớn là từ sản xuất ximăng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker). Bên cạnh đó là quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại thuộc nhóm phát thải năng lượng. Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, ximăng sử dụng một lượng lớn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, đất sét.
Ngoài ra, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại cũng đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia, thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay cácbon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà, công trình; phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển…
Cùng với các ngành kinh tế khác, thời gian qua ngành Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Cụ thể, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2, năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2. Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng đó, ngành công nghiệp thép cũng là ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn và ngày càng tăng, chiếm xấp xỉ 5,2% tổng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp, với tổng phát thải khí nhà kính là 12,7 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2016.
Căn cứ vào số liệu năm 2016 theo hệ thống kiểm kê quốc gia, các chuyên gia dự báo phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2030 là 125 triệu tấn CO2 tương đương và lên đến 148 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050, gấp 2,3 lần so với năm 2015. Như vậy, con số này vẫn gia tăng đáng kể.
Sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê, có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2024 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch phát thải trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa, góp phần xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính; đồng thời, nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, dự kiến ban hành trong năm 2024. Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng.
Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết về quy trình, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng. Theo dự thảo, kiểm kê khí nhà kính thực hiện theo trình tự 10 bước sau: Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính; Xác định phương pháp thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính; Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính; Lựa chọn hệ số trong tính toán phát thải khí nhà kính; Tính toán kết quả kiểm kê khí nhà kính; Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính; Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính; Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính; Thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, các dây chuyền công nghệ sản xuất đã đầu tư hay đầu tư mới đều phải giảm phát thải xuống từ 650kg CO2/tấn ximăng trở xuống vào năm 2030. Nếu vậy, để đạt mục tiêu này, đến hết năm 2025, thì 100% các dây chuyền sản xuất ximăng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải; sử dụng tối thiểu 20% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất ximăng và tăng lên 30% vào năm 2030...
Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo Kế hoạch, ngành xây dựng đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2022-2030, hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp cho các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) (xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng) và vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng và công nghiệp. Đến năm 2030, có 25% các VLXD chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.
Cụ thể, việc sử dụng VLXD xanh sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống lại biến đổi khí hậu. Hơn nữa, sử dụng VLXD xanh còn giúp tận dụng được các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp khác, đồng thời nguồn VLXD xanh sau khi sử dụng cũng dễ dàng tái chế, giúp cho ngành xây dựng và các ngành khác phát triển bền vững, đây cũng là giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Quan trọng hơn, sử dụng VLXD xanh còn góp phần cải thiện môi trường sống, giúp cho môi trường sống trong lành hơn...
Chia sẻ về xu hướng xanh hóa đối với ngành sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, nhiều đơn vị trong ngành đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp (DN) đã triển khai sử dụng bùn thải thông thường (từ sông, hồ, các ngành công nghiệp, khu công nghiệp…) để thay thế một phần nguyên liệu sét trong sản xuất clinker; hay nghiên cứu sử dụng một số loại chất thải rắn công nghiệp nhằm thay thế nhiên liệu than trong sản xuất clinker…Việc sử dụng các chất thải phục vụ trong quá trình sản xuất xi măng đã giúp các DN giảm áp lực về nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như tăng hiệu quả trong sản xuất; đặc biệt là giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải các loại khí có hại ra môi trường.
Các chuyên gia đánh giá, mặc dù những lợi ích của việc phát triển, sử dụng VLXD xanh có thể nhận thấy khá rõ, tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu “xanh hóa” ngành sản xuất VLXD vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị hiện có cho phù hợp với việc sản xuất các loại VLXD xanh là khá lớn, khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí tài chính để đầu tư. Trong khi đó, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN, nên chưa khuyến khích nhiều DN đẩy mạnh phát triển VLXD xanh.
Bên cạnh đó, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất VLXD xanh tại Việt Nam cũng còn hạn chế, trong khi giá thành sản phẩm còn cao, nên chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ với các loại vật liệu khác. Ngoài ra, nhận thức của các đơn vị xây dựng, người tiêu dùng về sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường còn có những hạn chế nhất định. Điều này ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh sản xuất các VLXD xanh, cũng như đưa vào sử dụng rộng rãi trong các công trình…
Thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường cần được đẩy mạnh triển khai.
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp để thúc đẩy ngành sản xuất VLXD của Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng “xanh hóa”. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, làm cơ sở cho các DN có căn cứ áp dụng trong quá trình sản xuất.
Song song với đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về VLXD xanh nhằm thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu thi công và người dân, để các loại VLXD xanh được phổ biến, sử dụng rộng rãi trong đời sống.
Về phía các DN sản xuất, các đơn vị cần chú trọng đến việc lựa chọn những công nghệ sản xuất VLXD theo hướng sử dụng được nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác. Đồng thời, các DN cần tìm ra các giải pháp để giảm giá thành hơn nữa đối với VLXD xanh, để cạnh tranh tốt với các loại vật liệu truyền thống có tính năng tương tự. Nhiều DN trong ngành sản xuất VLXD đưa thêm kiến nghị, Nhà nước cần gia tăng cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các DN đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xanh, nghiên cứu sử dụng các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong quá trình sản xuất các sản phẩm VLXD.
Ngày 26/7/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thực trạng biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đang tác động đến mọi mặt: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu... Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này; đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050... là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Sự thay đổi mới tác động lớn đến thương mại, đầu tư toàn cầu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Mai Linh
Bình luận