Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ năm, 31/10/2024 06:10
TMO - Với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển ngành du lịch theo hướng hiện đại, bền vững, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chủ động nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại nhiều thuận lợi, trải nghiệm thú vị cho du khách.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Lâm Đồng, khi lượng khách du lịch đến tỉnh này đạt 7,4 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ, khách quốc tế đến với Lâm Đồng ước đạt 426 nghìn lượt khách, tăng 42%; khách nội địa đạt 6.974 nghìn lượt khách, tăng 12,3%. Khách qua lưu trú đạt 5.450 nghìn lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ.
Những năm qua, cùng với việc quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng điểm đến và đa dạng các loại hình du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách, Lâm Đồng cũng từng bước đổi mới ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao nhằm xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, du lịch Lâm Đồng không ngừng cải thiện về mức độ hấp dẫn, thu hút du khách.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tăng doanh thu, thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa tại chỗ qua du lịch tại Lâm Đồng” được Viện Khoa học Môi trường và Xã hội thực hiện.
Đề tài quy hoạch và xây dựng 2 mô hình về tổ chức hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua du lịch: 1 mô hình xuất khẩu rau, hoa công nghệ cao ở TP Đà Lạt; 1 mô hình xuất khẩu hàng hóa tại chỗ thông qua sự liên kết chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm của TP Bảo Lộc và tham quan làng nghề ươm tơ dệt lụa tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.
Cùng với đó, Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá và phát huy sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách đến Đà Lạt, Lâm Đồng” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì thực hiện, đã nhận diện và đánh giá được các nét đặc thù nhất của Đà Lạt - Lâm Đồng trong hệ thống tài nguyên du lịch cũng như các điều kiện phát triển du lịch khác của địa phương.
Khách du lịch thăm quan tại Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh minh hoạ: ĐT).
Đề tài thử nghiệm 3 mô hình du lịch điểm về sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng: Mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, khai thác tài nguyên du lịch nông nghiệp có tính đặc thù cao của địa phương ; Mô hình Du lịch thể thao - mạo hiểm; Mô hình Du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe.
Là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thể thao, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức các giải chạy bộ, đua xe đạp, giải goft,... thu hút sự tham gia của hàng ngàn vận động viên và cổ động viên...
Thông qua các giải đấu thể thao đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Lâm Đồng và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển du lịch thể thao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Cùng với đó, Đề tài “Nghiên cứu và xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Lâm Đồng” do Học viện Chính trị khu vực II chủ trì thực hiện nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc thù của văn hóa truyền thống, tạo nên sắc thái riêng thu hút khách du lịch.
Đồng thời, tạo ra thu nhập cho người dân tại địa phương gắn liền với quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các vùng vệ tinh cho các địa danh du lịch hiện tại của tỉnh Lâm Đồng. Đề tài đã xây dựng 2 mô hình mẫu tổ chức hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại Lâm Đồng: Mô hình đua ngựa không yên tại thị trấn Lạc Dương kết hợp khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc K’Ho; Mô hình Du lịch canh nông kết hợp trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mạ…
Đặc biệt, trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã ứng dụng công nghệ vào thực tế để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa 3D và xây dựng di tích, bảo tàng ảo phục vụ cho người dân và du khách trong nước và trên toàn thế giới.
Thông qua đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng” với hệ thống và số hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ khoa học di sản vật thể và phi vật thể cho 5.000 hiện vật tiêu biểu, phục vụ công tác quản lý và phát huy giá trị, làm cơ sở tiếp tục số hóa toàn bộ hiện vật tại Bảo tàng Lâm Đồng...đã phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu thông tin của du khách trong và ngoài nước.
Sử dụng chiếu xạ gamma và tia X trong bảo vệ di sản gỗ khỏi các mối mọt tại Lâm Đồng. (Ảnh minh hoạ).
Đáng chú ý, trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo, tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số của tỉnh; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, qua các đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng”; và, đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên”.
Gần đây nhất, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật hạt nhân và kỹ thuật liên quan để phân tích, bảo vệ các đồ vật, tác phẩm nghệ thuật lịch sử vô giá trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã ưu tiên một số ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tại Lâm Đồng. Đơn cử như, với hàng chục nghìn tấm bản khắc bằng gỗ, chứa đựng các tư liệu quan trọng về lịch sử, văn hóa và chính trị của triều đại nhà Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), việc bảo tồn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự phá hủy do mối mọt và nấm mốc gây ra. Việc thử nghiệm bảo tồn bằng phương pháp chiếu xạ gamma và tia X năng lượng thấp đã chứng minh là phương pháp bảo tồn hiện đại và hiệu quả.
Việc chiếu xạ gamma và tia X có khả năng thâm nhập sâu vào cấu trúc gỗ, mà không gây ra bất kỳ tổn hại nào đến tính toàn vẹn của các mộc bản, đảm bảo rằng không chỉ bề mặt mà cả bên trong của hiện vật cũng được bảo vệ.
Ứng dụng công nghệ số, và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật hiện đại trong phát triển du lịch, bảo tồn di tích của tỉnh Lâm Đồng là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn số hoá hiện nay. Đối với khách du lịch, việc cung cấp thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm, tìm hiểu được thông tin chi tiết về Di tích lịch sử khi đi tham quan… mang lại những trải nghiệm mới mẻ, thu hút du khách hơn khi đến với Lâm Đồng.
Xuân Trường
Bình luận