Hotline: 0941068156
Thứ ba, 08/07/2025 16:07
Thứ ba, 08/07/2025 06:07
TMO - Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp vùng cao của tỉnh Điện Biên. Các tiến bộ về giống, quy trình canh tác và cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, thích ứng tốt hơn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Tại tỉnh Điện Biên, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang từng bước làm thay đổi tư duy canh tác của người dân vùng cao. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhiều hộ dân ở các xã Tủa Chùa đã mạnh dạn áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng bền vững.
Các giống cây trồng có năng suất cao, chịu rét tốt như lúa nếp tan, ngô lai, khoai sọ, cây dược liệu… được đưa vào canh tác thay thế giống truyền thống. Cùng với đó, các biện pháp kỹ thuật như làm đất theo đường đồng mức, sử dụng phân bón hữu cơ, tưới tiết kiệm nước và phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp sinh học đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch cũng góp phần giảm đáng kể sức lao động thủ công. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Điện Biên đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa,
Với địa hình tạo nên đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng khu vực xã Tủa Chùa, đã tạo nên lợi thế phát triển sản phẩm nông sản đặc thù tại địa phương. Có thể kể đến trà shan tuyết, trà gai leo, mật ong…
Những năm gần đây, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh. Ứng dụng KHKT vào sản xuất vừa tạo hướng phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, tại 2 xã: Tủa Chùa, Sáng Nhè… cà gai leo là một trong những loại trà thảo mộc mới, được trồng thử nghiệm năm 2019 và phát triển mạnh từ năm 2023. Cà gai leo là một loại thảo dược có tác dụng giải độc gan. Để tiết kiệm sức lao động, người dân khoét lỗ, phủ màng bọc thực phẩm trên diện tích trồng cà gai leo.
Với chi phí gần 10 triệu đồng/ha, hạn sử dụng 3 năm sẽ ít tốn công loại bỏ cỏ dại, đồng thời việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng dễ dàng hơn. Thời điểm hiện tại HTX Cà gai leo Tủa Chùa đã liên kết, hướng dẫn áp dụng KHKT, bao tiêu đầu ra cho 76 hộ dân với diện tích trên 10ha.
Công nghệ tưới tiết kiệm được người dân Điện Biên áp dụng cho chè.
Còn theo chia sẻ của người dân xã Sáng Nhè, gia đình trồng 1ha cà gai leo, mỗi năm thu hoạch 3 lần, tổng sản lượng khoảng 60 tấn/năm, với giá trung bình 6.000 đồng/kg tươi, mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng/ha. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng, thu hoạch, chăm sóc cà gai leo từ HTX nên công lao động, chi phí sản xuất thấp mà hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Cùng với việc bao tiêu đầu ra ổn định cho bà con, HTX Cà gai leo Tủa Chùa còn áp dụng công nghệ trong sản xuất chế biến các sản phẩm từ cà gai leo.
Đại diện HTX Cà gai leo Tủa Chùa chia sẻ: Cà gai leo là giống rất bền, sau khi trồng thu hoạch liên tiếp gần 10 năm mới cần trồng lại. Thời gian đầu hoạt động của HTX là thu mua, chế biến công đoạn như cắt thân, lá, sấy khô sau đó vận chuyển bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại để tăng giá trị sản phẩm, áp dụng KHKT vào sản xuất, HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc, vừa chế biến thô vừa nghiên cứu, phát triển các dòng trà như trà túi lọc, trà quả, trà kết hợp dược liệu… cung cấp tới người tiêu dùng.
Tương tự cà gai leo, vùng Đông Bắc tỉnh Điện Biên nổi tiếng với các dòng trà shan tuyết cổ thụ với giá trị, chất lượng cao của đồng bào dân tộc nơi cao nguyên đá. Chè cổ thụ cây cao thường được thu mua với giá vài trăm nghìn đồng/kg tươi, ngược lại chè cây thấp chỉ khoảng 15.000 đồng/kg tươi tạo sự tương phản rõ rệt.
Với giá nguyên liệu rẻ, thông thường giá chè shan tuyết cây thấp chỉ dao động từ 350.000 đồng – 450.000 đồng/kg chè khô. Trong các dòng trà cây thấp, sản phẩm Hồng trà Shan tuyết là điển hình trong việc áp dụng KHKT vào quá trình lao động sản xuất. Việc áp dụng KHKT trong sản xuất không chỉ tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị mà còn là hướng phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, quy trình canh tác, cơ giới hóa sản xuất và bảo vệ thực vật, năng suất và chất lượng nông sản đã được cải thiện rõ rệt, đời sống người dân từng bước ổn định hơn. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, việc ứng dụng công nghệ còn giúp thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, hình thành các mô hình nông nghiệp hàng hóa thích ứng với thị trường.
Trong thời gian tới, Điện Biên cần tiếp tục mở rộng quy mô chuyển giao kỹ thuật, tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ và hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ mới, qua đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Thu Hằng
Bình luận